Bước sang giai đoạn mới, Hà Nội đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm, đưa tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên, thu nhập nông dân đạt 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động nông thôn đạt 98%.....
Để có được thành tựu sau 10 năm xây dựng nông thôn mới như ngày hôm nay, nó đã khẳng định quan điểm rất đúng và trúng của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Bởi vì khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 26/NQ-TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng việc làm cụ thể là xây dựng hệ thống các xã điểm nông thôn mới trên toàn quốc, đã có 10 xã đại diện cho các vùng nông thôn khác nhau trên cả nước được lựa chọn để triển khai rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lúc đó chưa có xã nào của Hà Nội nằm trong danh sách.
Trong khi đó, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đến 88,3% diện tích đất nông nghiệp, 401 đơn vị hành chính cấp xã, đứng thứ 3 cả nước sau Thanh Hóa, Nghệ An nên thành phố đặt vấn đề kiến nghị Trung ương bổ sung một xã điểm tại Thủ đô.
Thay vì 10 xã đại diện cho các vùng nông thôn như ban đầu, đến phút cuối cùng Trung ương đã quyết định chọn 11 xã làm điểm để triển khai rút kinh nghiệm trong cả nước. Điều này thể hiện tầm nhìn của Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết Tam nông - Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân. Với Hà Nội việc xây dựng nông thôn mới chỉ có bắt đầu mà không có điểm dừng.
Vì vậy, 10 năm sau làng quê Hà Nội nói chung đã có nhiều khởi sắc, đổi mới. Cùng với những con đường mới được đầu tư xây dựng, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nơi, người dân còn góp tiền xây cổng làng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa...
Thành công đầu tiên là thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp - một vấn đề rất khó và phức tạp.
Dồn điền, đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...
Hiểu rõ công tác dồn điền đổi thửa những diện tích đất nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán sẽ là khâu đột phá, có tác động trực tiếp và tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội - người đã dồn tâm huyết soạn Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 về "Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Nhờ vậy mà hơn 1.800 ha đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa của thành phố đã giúp các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, là nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nông thôn mới.
Cũng bởi hiểu rõ "ngọn ngành" công việc hệ trọng này, ông được lãnh đạo thành phố tin cậy giao nhiệm vụ tìm nút thắt, tháo gỡ nhiều "điểm nóng" trong thực hiện dồn điền đổi thửa giai đoạn đầu tại một số địa phương như xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) hay Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)...
Ông Lê Thiết Cương chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc. Người nông dân phải làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Họ phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ... Đó là điều mà ông rất tâm đắc và nhiều lần nhấn mạnh nội dung căn cốt này tới đội ngũ cán bộ các cấp gần dân nhất.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được lan rộng trong toàn thành phố, nhận thức của người dân được nâng lên; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng... Các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá.
Cụ thể, Hà Nội có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôm mới đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/1ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố đã dồn điền, đổi thửa đạt 104,6% kế hoạch. Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2% số xã), không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay là 76.451 tỷ đồng; trong đó, ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, thành công lớn nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là từ huyện thuần nông đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân 96 triệu đồng/người/năm.
Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2015. Một thành tựu khác của huyện là đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận, sản xuất phát triển...
Đến nay, huyện lại tiếp tục phấn đấu với tiêu chí mới "Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu" và có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, UBND huyện và Ban Chỉ đạo huyện Đan Phượng xác định nhiệm vụ trọng tâm là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Ông Hùng chia sẻ, là huyện cán đích nông thôn mới sớm nhất của thành phố, Đan Phương quê hương của khởi nguồn phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" là một minh chứng rõ nhất cho câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ... Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều.
Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, xây dựng nông thôn mới là một chặng đường dài trong lộ trình phát triển của Thủ đô, có thể nói có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành công hôm nay tiếp tục mở ra chặng đường mới để Hà Nội xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Do vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã xác định đến 2020, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tăng cường liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị.
Các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019 và 2020; tập trung hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt để đến hết năm 2020, Hà Nội có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.