Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Triển khai thực hiện nghị quyết, một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra là tri thức hóa đội ngũ nông dân, hình thành những nhà nông chuyên nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Tri thức hóa nông dân
Liên quan nội dung tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp, nhiều chuyên gia, nhà quản lý phân tích, hiện nay chất lượng lao động nông nghiệp ở nước ta đang suy giảm. Lao động nông nghiệp còn khoảng 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, đồng thời chất lượng lao động nông nghiệp cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã thu hút nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị. Từ đó dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Vì vậy, tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ những nhà nông chuyên nghiệp hội tụ các yếu tố kiến thức, tư duy phát triển kinh tế, kỹ năng sản xuất hiện đại, có phương pháp quản trị, tổ chức liên kết sản xuất phù hợp là rất quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tri thức hóa nông dân để người nông dân hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, tiếp cận số hóa, công nghiệp 4.0, được trang bị kỹ năng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nông nghiệp hiện đại phải có nông dân chuyên nghiệp.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ba yếu tố biến động là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn, đồng thời cũng có cơ hội mang lại giá trị sản phẩm cao hơn. Muốn vậy người nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ để tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm một cách chuyên nghiệp. Một trong những giải pháp cần thực hiện mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề cập là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn, từ đó đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nông dân, đặc biệt là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Người nông dân phải có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới. Chính những người nông dân giỏi sẽ trở thành những người dẫn dắt nông dân trên cả nước trở thành nông dân chuyên nghiệp.
Chung tay phát triển
Hình thành, phát triển đội ngũ những người làm nông chuyên nghiệp là một quá trình, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, người nông dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.
Coi trọng vai trò của cấp ủy, các đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc tổ chức hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, cho rằng, muốn có nông dân chuyên nghiệp thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải năng động, tích cực hỗ trợ giúp tri thức hóa nông dân, giúp nông dân thực sự trở thành những người làm nông chuyên nghiệp.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, thực tế ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long có những nơi chính quyền, các đoàn thể, cấp ủy đã và đang thực hiện tốt việc tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân tiếp cận các kiến thức mới liên quan đến phương pháp sản xuất hiện đại, những yêu cầu, đòi hỏi của thị trường nông sản trong nước và thế giới. Ở một số nơi thuộc tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, cấp ủy, cán bộ các đoàn thể, lãnh đạo địa phương thường xuyên theo sát, tổ chức các cuộc nói chuyện, trao đổi, khơi dậy tinh thần học tập, tiếp cận kiến thức mới, hướng dẫn nông dân chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng cây ăn quả, cây lúa, cùng nông dân tham quan các mô hình, tìm hiểu nhu cầu thị trường. Có nơi còn phân công lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ hợp tác xã cập nhật lịch trình mùa vụ, sản xuất, xây dựng nhật ký điện tử, ghi lại quá trình sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Nhìn nhận từ khía cạnh đào tạo, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) nêu ý kiến, trong con đường hướng đến đội ngũ những người làm nông chuyên nghiệp, vai trò của các cơ sở đào tạo rất quan trọng. Nông dân chuyên nghiệp không chỉ chuyên nghiệp về kỹ năng sản xuất, mà còn chuyên nghiệp cả về trách nhiệm với sản phẩm của mình đưa ra thị trường, còn là những người am hiểu về thị trường, về xu hướng tiêu dùng.
Đứng chân tại Đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, Trường Đại học Cần Thơ luôn đồng hành với xu thế tri thức hóa nông dân, phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Trường bổ sung những ngành đào tạo mới như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, kinh doanh nông nghiệp, góp phần hiệu quả trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, nhà trường tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện chuyển giao kỹ thuật công nghệ, phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, chọn tạo các giống lúa...
Phó Giáo sư Nguyễn Duy Cần đề xuất, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có những người làm nông chuyên nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách ưu tiên cấp học bổng cho người học các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp rất cần được ưu tiên để phát triển nhân lực nông nghiệp, có chính sách ưu tiên cho đào tạo nhân lực các ngành nông nghiệp then chốt tại các cơ sở đào tạo trọng điểm và khu vực, tăng cường hướng nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông.
Là người gắn bó với ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện Hội quán Canh Tân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Xây dựng, hình thành người làm nông chuyên nghiệp, có kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp, biết sử dụng các thiết bị cơ giới, công nghệ tiên tiến vào quá trình canh tác, chăn nuôi là rất cần thiết. Mô hình Hội quán ở địa phương thời gian qua đã đóng vai trò tích cực kết nối, phổ biến kiến thức cho nông dân, là nơi bà con trao đổi kinh nghiệm, thay đổi tập quán sản xuất từ theo mùa vụ nay chuyển sang sang trồng rải vụ đối với cây nhãn đặc sản, đạt sản lượng 20-30 tấn nhãn quả/ha/vụ, đưa ra thị trường quanh năm những trái nhãn tươi ngon, nông dân không còn chịu cảnh “được mùa, mất giá”. Diện tích trồng nhãn đặc sản của các thành viên trong hội quán được cấp mã số vùng trồng-tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc, mở ra cơ hội cho trái nhãn đặc sản Châu Thành vươn ra thị trường thế giới.
Từ vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) - người vừa được vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022 cho biết, thành công với mô hình trồng giống dứa Queen kết hợp nuôi cá, trên diện tích 60 ha đất nhiễm phèn, mỗi năm thu lãi hơn 3,7 tỷ đồng, ông hiểu để phát triển kinh tế nông nghiệp lâu dài, nông dân rất cần được chuyên nghiệp hóa, có kiến thức. Ông cho rằng, bản thân những người nông dân như mình cần có tinh thần học hỏi, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với thị trường nhiều hơn, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của các cấp, ngành, để người nông dân có thêm vốn phát triển sản xuất, được tập huấn, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiên tiến, hiện đại, hiểu rõ thị trường, yên tâm phát triển sản xuất bền vững.