Năm 2014 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, góp phần giữ vững vị thế là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhân dịp đón Xuân Ất Mùi 2015, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao đổi với PVTTXVN về một số định hướng phát triển mới trong năm 2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long (phải) tiếp đón nhà đầu tư Nhật Bản. |
Xin ông cho biết về một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của tỉnh Thái Nguyên?
Với sự nỗ lực, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Chúng tôi đã bình chọn 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh năm 2014, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20% cao nhất từ trước tới nay, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 174.000 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD đưa Thái Nguyên trong top các tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Thái Nguyên đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 3,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước, thu hút Tập đoàn Samsung đầu tư 6,4 tỷ USD vào tỉnh để xây dựng Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Thái Nguyên trở thành “cứ điểm hoàn chỉnh mạnh nhất toàn cầu”. Thái Nguyên cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật về đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 40.000 lao động, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II…
Năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều sự biến động. Vậy đâu là các giải pháp để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu kinh tế” của các tỉnh miền núi phía Bắc?Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đặt mục tiêu xây dựng Thái Nguyên là trung tâm kinh tế - xã hội vùng Việt Bắc như vị trí vốn có, đồng thời sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Do vậy, trong năm 2015 - năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, chúng tôi tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để có nguồn lực xây dựng hạ tầng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp; làm tốt công tác cải cách hành chính, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, công khai những thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung sản xuất và đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị kinh tế cao; triển khai chương trình phát triển nhà ở, giải quyết việc làm cho người lao động; chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; khắc phục những hạn chế trong quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thảo Nguyên (thực hiện)