Xây dựng thành phố Cần Thơ - Động lực vùng Tây Nam Bộ

40 mùa xuân đã đi qua kể từ khi quê hương, đất nước được hòa bình giải phóng, mỗi mùa xuân mang về cho người dân thành phố Cần Thơ những niềm vui mới. Từng là mảnh đất bom cày đạn xới, là trung tâm vùng 4 chiến thuật của chế độ cũ nay đã trở thành thành phố trẻ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trù phú về sản vật, con người năng động, trí tuệ trong sản xuất kinh doanh, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch trong giao tiếp...

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng


Thành tựu nổi bật nhất của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua, nhất là sau hơn 10 năm trực thuộc Trung ương là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đứng đầu các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tổng sản phẩm trên địa bàn, thu nhập bình quân đầu người, xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Hồ Xáng Thổi được cải tạo xây dựng năm 2006 với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng đã trở thành hồ nước rộng hơn 6ha, khang trang, sạch đẹp, một trong những điểm nhấn của nội ô thành phố Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương -TTXVN



Từ chỗ thiếu lương thực, Cần Thơ đã giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cấp bách của những năm sau giải phóng và tiến tới trở thành địa phương có mức xuất khẩu lương thực và thủy sản đứng đầu khu vực ĐBSCL. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, từng bước đưa thành phố Cần Thơ thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh tế của thành phố là đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ năm 2015 ước đạt trên 1,5 tỷ USD. Thành phố Cần Thơ đang thể hiện vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa, thương mại dịch vụ của khu vực nhờ được đầu tư nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, khách sạn, nhà hàng… Việc được đầu tư cơ sở hạ tầng khá lớn đã giúp hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh chóng.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng qua từng năm. Do đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế mà nguồn thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh. Hiện Cần Thơ là địa phương duy nhất trong khu vực ĐBSCL và là một trong 13 địa phương của cả nước có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương mỗi năm là 10%. Đến cuối năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.315 tỷ đồng…

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2004), nhiều công trình, dự án lớn mang tầm vóc khu vực được Trung ương và thành phố tập trung đầu tư đã làm cho diện mạo thành phố thay đổi rõ nét, tạo sức lan tỏa cho cả vùng. Điển hình như các dự án: Cảng biển Cái Cui cùng khu hậu cần logistic, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn công suất 3.000 MW, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, xây mới cầu Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ 91 B và hệ thống các tuyến đường tỉnh, giao thông nông thôn… Bộ mặt đô thị ngày càng tiến bộ theo hướng văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, thành tựu nổi bật nhất của thành phố Cần Thơ là đã đầu tư phát triển mạnh ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật cho cả vùng. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, công tác xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2004 đến nay, Cần Thơ đã cơ bản giải quyết cho các gia đình gặp khó khăn về nhà ở thuộc diện chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số nhà tình nghĩa xây dựng và bàn giao được là 2.298 căn, 14.174 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Đặc biệt, trên địa bàn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 là 2,84% và phấn đấu đến cuối năm 2015 còn 1,84%.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa xã hội nhưng thành phố Cần Thơ vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định như: Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều; chưa phát huy tốt tiềm năng các thành phần kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ…

Xây dựng thành phố động lực cho cả vùng


Mục tiêu phát triển của thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê kông, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - kỹ thuật, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và cả nước. Cần Thơ phấn đấu là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, theo ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cần thực hiện các giải pháp như: Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh hiện đại, tận dụng mọi cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác của nước ngoài với các tỉnh ĐBSCL, thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đồng thời mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, tập trung xây dựng một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho người dân Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung...

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nói trên, Cần Thơ đã chọn các khâu đột phá là: Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào thành phố; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào trong sản xuất và quản lý kinh tế xã hội. Đồng thời quan tâm giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp.

Ngọc Thiện

Gấp rút thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên
Gấp rút thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

Các nhà thầu thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh đang tập trung cao độ mọi phương tiện xe máy, vật tư, lao động để thi công 24/24, phấn đấu hoàn thành dự án đoạn qua Tây Nguyên- Bình Phước (Quốc lộ 14) vào tháng 6/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN