Việc xây dựng một thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm cả số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 15,04 USD/tấn. Với tình hình này thì xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2013.
Vận chuyển gạo nguyên liệu vào dự trữ để chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp xay xát và chế biến lương thực Việt Nguyên (Khu công nghiệp Mỹ Tho). Đình Huệ - TTXVN |
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngành sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu gạo, giá gạo xuất khẩu không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân xuất khẩu gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, thiếu chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường, chưa gắn kết được khâu sản xuất với chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, sản xuất hiện chưa thực sự hướng tới yêu cầu của thị trường tiêu thụ, vẫn còn tình trạng sản xuất theo phong trào, thậm chí là theo những lợi ích trước mắt mà chưa tính đến những lợi ích lâu dài. Một số nơi sản xuất không đảm bảo kỹ thuật canh tác dẫn tới chất lượng không đảm bảo, bị pha tạp nên doanh nghiệp khó thu mua, xuất khẩu và người sản xuất phải chấp nhận bán với giá thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng không có khả năng dự trữ lúa gạo lâu dài, lại chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng nên phải bán nhanh, dẫn đến giá giảm.
Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang (Tổng công ty Lương thực miền Nam) dự trữ gạo nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Đình Huệ - TTXVN |
Một khó khăn khác cũng được Bộ Công Thương đề cập đến là thị trường gạo đang có những thay đổi quan trọng những năm gần đây, nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo đã có những thay đổi quan trọng về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo. Một số quốc gia đã dùng ngân sách rất lớn để mua gạo với giá cao cho người sản xuất như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc; một số nước tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác nên gạo có chất lượng và có thương hiệu hoặc tận dụng ưu thế về vị trí địa lý gần thị trường tiêu thụ, cước vận tải thấp để giành ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới đã quay lại thị trường xuất khẩu, trong khi các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu lại thực hiện điều chỉnh chính sách nhập khẩu theo hướng tăng cường tự túc lương thực, đa dạng hóa nguồn cung, nhập đủ dùng, không tăng lượng tồn kho và quan sát thị trường để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu với giá có lợi nhất. Tình hình trên làm tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung-cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Giá gạo thế giới có xu hướng sụt giảm mạnh kể từ năm 2012, đặc biệt là trong quý II/2013 và xuất khẩu gạo Việt Nam đang chậm lại do ảnh hưởng của tình hình này.
Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để giải quyết tình trạng giá xuất khẩu gạo giảm, trước hết cần rà soát, tính toán lại để định hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng phải căn cứ vào nhu cầu thị trường xuất khẩu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, mùa vụ để có định hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp. Trong sản xuất cần nỗ lực triển khai các giải pháp về quy hoạch vùng lúa hàng hóa, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, mùa vụ. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác, thu mua, bảo quản, chế biến cho người sản xuất lúa và đặc biệt phải kiểm soát tốt quy trình sản xuất để sản xuất lúa gạo hàng hóa có giá trị cao, phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh giải pháp quan trọng là cần tập trung vào việc phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá thương hiệu để gạo Việt Nam có cơ sở khẳng định vị trí, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, cần tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gạo Việt Nam, tổ chức các chương trình đón các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu và nhập khẩu gạo Việt Nam.
Giáo sư Tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, muốn có thương hiệu đích thực, chất lượng gạo phải biểu hiện thống nhất theo một chuẩn mực mà người tiêu dùng chấp nhận. Muốn vậy, Việt Nam phải có chiến lược thương mại hóa sản phẩm theo nguyên tắc bắt đầu từ hạt lúa. Có nghĩa là, doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu từ khi gieo sạ, thu hoạch cho đến lúc chế biến thành phẩm. Tất cả mọi tiêu chuẩn công bố với khách hàng phải thực sự đúng. Tỷ lệ trộn mẫu gạo nguyên liệu phải chuẩn xác. Khi có được chữ “tín” với khách hàng sẽ trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường. Thực tế, Việt Nam đang sản xuất lúa trong điều kiện quy mô đất nhỏ, manh mún, hợp tác hóa thấp, nội dung này rất khó thực hiện nếu chúng ta không mạnh dạn “tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa”.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố Quy hoạch kinh doanh thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng tối đa 150 đầu mối thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Quy hoạch đề ra các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận gồm: kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải nằm trên địa bàn các địa phương trong quy hoạch; và ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa…
Không chỉ trước mắt, về lâu dài đây sẽ là những giải pháp góp phần đảm bảo sự ổn định, bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam.
Việt Âu