Trên đoạn đường dài 5,6 km, chúng tôi gặp nhiều tốp thợ đang chèn đá, căn chỉnh đường ray theo đúng tiêu chuẩn, lắp ghép bộ ghi vào vị trí quy định, đặt ray chạy qua nút giao vào cảng Cái Lân, hàn những mối nối tại những đoạn đường ray có bán kính cong, lắp đặt cột đèn tín hiệu... Trên toàn tuyến, những người thợ của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt đã rút đi, nhưng vẫn còn hàng trăm công nhân của Công ty 126, Công ty 120… chia nhau làm việc 3 ca, hối hả thi công những hạng mục cuối cùng. Công việc chèn đường, đặt đường sắt, lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu đang được phối hợp nhịp nhàng khẩn trương. Đặc biệt, bộ phận hàn ray theo công nghệ Nhật Bản, một công việc không có trong tính toán ban đầu của dự án này nhưng lại không thể thiếu trong việc thi công đặt ray, đã được huy động tối đa để phục vụ tiến độ dự án.
Ông Phạm Quang Anh, Trưởng phòng quản lý tiểu dự án 1 nói: “Tiến độ ở tiểu dự án này gần như không còn điểm lùi. Và, nếu càng chậm, thì tổng mức đầu tư càng tăng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi do có quá nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và các công việc khác, nhưng chúng tôi đã vượt qua”.
Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết, dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện NQ 11/CP phải cắt giãn nên tiến độ thi công của dự án không đảm bảo. Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long- Cái Lân, là một công trình trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải năm 2011, nên chủ đầu tư cùng với các nhà thầu, chính quyền địa phương đều đang quyết tâm để có thể thông xe kỹ thuật đúng ngày 30/12/2011.
Theo ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam, để đạt được tiến độ thông tàu đoạn đường sắt cảng Cái Lân - Hạ Long, Ban quản lý dự án đường sắt đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, và đặc biệt là đơn vị thi công giải quyết công việc. “Đến thời điểm này có thể khẳng định mốc chạy tàu vào ngày 30/12 là hoàn toàn đáp ứng. Tuy nhiên, có lúc tưởng không vượt qua được do có quá nhiều khó khăn về mặt bằng, đơn vị thi công thiếu tiền. Chúng tôi đã giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, được ví như công việc trong 2 năm mà phải thực hiện trong 2 tháng”, ông Lục nói.
Tiện lợi cho lưu thông hàng hóa, du lịch
Đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo tiếp tục đầu tư cho dự án này.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam về việc tạm giãn tiến độ thi công một số gói thầu, tiểu dự án thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Cụ thể là các tiểu dự án Lim - Phả Lại (26 gói thầu), Phả Lại - Hạ Long (37 gói thầu), Yên Viên - Lim (26 gói thầu) sẽ được giãn tiến độ cho tới khi bố trí được vốn.
Cũng theo ông Trần Văn Lục, như vậy dự án xây dựng tuyến đường sắt nói trên sẽ có cơ hội hoàn thành vào năm 2016 do giãn tiến độ, thay vì 2013 đưa ra ban đầu. Cái được nhất là sử dụng hiệu quả và không lãng phí hạ tầng của dự án đã được đầu tư trước đó và đặc biệt là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng. Riêng tỉnh Quảng Ninh có cảng Cái Lân, một cảng nước sâu duy nhất tại miền Bắc có lượng hàng hóa thông qua cảng rất lớn trong nhiều năm qua, do chưa có tuyến vận tải hàng hóa đường sắt nên năng lực rút hàng bị hạn chế, xảy ra ùn tắc nhiều, sẽ giải quyết được cơ bản việc ùn tắc hàng hóa.
Tuyến đường sắt Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân, chạy song song với quốc lộ 18, dài 130 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Trong đó có khoảng 40km sẽ được làm mới hoàn toàn, 90km còn lại là cải tạo, nâng cấp từ đường sắt cũ, bảo đảm cho tàu khách chạy với tốc độ 120 km/giờ, tàu hàng vận tốc 80km/giờ. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án: Tiểu dự án Hạ Long- cảng Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ; tiểu dự án Phả Lại- Hạ Long; tiểu dự án Lim- Phả Lại và tiểu dự án Yên Viên- Lim. Chủ đầu tư là Cục Đường sắt Việt Nam, được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ với hơn 7.000 tỷ đồng.
Tiểu dự án 1: Hạ Long - cảng Cái Lân và Cầu vượt Bàn Cờ có tổng mức đầu tư hơn 1.510 tỷ đồng. Toàn tiểu dự án được chia làm 22 gói thầu (trong đó 9 gói thầu xây lắp). Ga Hạ Long được cải tạo nâng cấp trở thành ga lập tàu khách đạt tiêu chuẩn quốc tế và khách với 6- 7 đôi tàu khách/ ngày đêm cho giai đoạn 2010 và từ 10-11 đôi tàu cho giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó có 6 đường đón gửi tàu, nhà ga có phòng đợi 280 m2.
Với việc hoàn thành tiểu dự án 1, đoạn cảng Cái Lân - Hạ Long, trước mắt sẽ nối thông cảng Cái Lân với ga Kép, nối liền mạch vận chuyển hàng hóa với đường sắt Kép - Hạ Long hiện có và tương lai cùng với tuyến mới Yên Viên - Phả Lại tạo thành trục đường sắt Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân phục vụ nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách ngày càng tăng.
Bài và ảnh: Thành Hiển