Tuy nhiên, hai năm nay, dịch COVID-19 khiến các thị trường nước ngoài không còn thu mua, thị trường nội địa tiêu thụ chậm. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã tính đến các biện pháp để dần đưa xoài Úc tiếp cận với thị trường thế giới.
Người trồng bỏ xoài
Dọc trên tuyến đường đi vào xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều quả xoài Úc có trọng lượng từ 0,5-1kg rụng đầy dưới các gốc cây. Người dân ở đây cho biết, do giá xoài quá rẻ và không có thương lái thu mua nên họ cũng không còn muốn thu hái.
Chị Bùi Thị Kim Nào ở thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây cho biết, vụ xoài này gia đình chị có 3 ha xoài Úc, nhưng cũng bị rụng và ong, ruồi vàng đốt thiệt hại khoảng 50%. Hiện gia đình chị đang túc tắc thu hái khi thương lái gọi mua, mỗi ngày chỉ bán được từ 2-3 tạ. Hiện vườn chị còn khoảng 30 tấn nhưng cũng không biết sẽ thu hoạch được bao nhiêu.
“Giờ thu hái được bao nhiêu thì thu hái, không cũng để rụng thôi chứ cũng không biết sao hết. Mọi năm 3 ha thu hoạch, trừ chi phí cũng còn lãi khoảng 100 triệu đồng, chứ năm nay thì từ đầu mùa tới giờ mới bán được hơn 30 triệu đồng”, chị Nào than thở.
Theo chị Nào, những năm trước đây, giá xoài Úc bán ra cũng được khoảng 30-35 nghìn đồng/kg, còn hiện tại chỉ còn chỉ 3-4 nghìn đồng/kg thì không thu hồi được vốn đầu tư. Chị cho biết, nếu như giá bán được khoảng 15-20 nghìn đồng/kg thì người trồng xoài còn có chút ít lãi, chứ giá hiện tại quá thấp không đủ chi phí chăm sóc, tiền thuê người thu hái.
Cùng thôn với chị Nào có nhiều hộ trồng xoài cũng rơi vào cảnh thua lỗ. Anh Đoàn Ngọc Long cho biết, năm nay, 3 ha xoài của gia đình anh vừa bị mất mùa vừa mất giá. Vụ xoài này, gia đình chỉ thu được hơn 10 triệu đồng, hiện gia đình cũng nhờ anh em trong nhà đi thu hái chứ không thuê người. Những vườn nào không thu được cũng đành bỏ để quả rụng vì thương lái không thu mua, trong khi tiền thuê nhân công cũng 200 -300 nghìn đồng/ngày/người khiến anh không gồng gánh được.
Theo ông Đoàn Ngọc Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm), toàn xã có hơn 900 ha diện tích xoài, chủ yếu là xoài Úc. Những năm trước đây, xoài Úc mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởngc ủa dịch COVID-19 nên người trồng xoài gặp khó khăn và xã còn nhiều xoài chưa được thu hái.
Cần giải pháp bền vững
Toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 8.400 ha xoài, tập trung chủ yếu ở huyện Cam Lâm với trên 6.200 ha; trong đó, diện tích cho thu quả là trên 4.400 ha. Riêng xoài Úc cho thu khoảng 3.500 ha. Sản lượng ước đạt 40.000 tấn quả. Thời điểm thu hái xoài bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6, hiện tại đang là chính vụ, lượng xoài già bắt đầu chín rộ, nhưng vì không tiêu thụ được nên thương lái chỉ mua rải rác khiến người nông dân điêu đứng.
Mặc dù trên địa bàn huyện Cam Lâm có khoảng 50 vựa mua xoài, nhưng chỉ có một số vựa thu mua với số lượng cầm chừng, có một số chủ vựa dừng hẳn không thu mua làm cho nhà vườn tại Cam Lâm có nguy cơ thua lỗ không có khả năng tái đầu tư cho niên vụ tiếp theo.
Chủ vựa thu mua xoài Sáu Vàng xã Cam Hải Tây cho biết, vì xoài không xuất khẩu được nên chỉ bán nội địa. Xoài loại 1 quả căng, mọng đều không tì vết mua với giá 12 nghìn đồng/kg, nhưng rất ít hàng. Còn lại giá từ 4-7 nghìn đồng/kg và khi khách gọi thì vựa mới gom hàng chứ cũng không dám thu mua ồ ạt như các năm trước vì sợ tồn hàng sẽ thiệt hại nặng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, trong các vườn của dân còn tồn đọng khoảng trên 10.000 tấn xoài. Do tình hình thời tiết mưa nắng thất thường nên xoài chín nhanh, ruồi vàng phát triển và gây hại làm giảm chất lượng sản phẩm, thị trường bấp bênh thiếu ổn định do phần lớn nông dân sản xuất tự phát chạy theo thị trường.
Mặt khác trước đây, khoảng 75% sản lượng xoài Cam Lâm được xuất sang Trung Quốc số còn lại tiêu thụ nội địa, nên khi xoài không thể “xuất ngoại” thì thị phần nội địa không đáng bao nhiêu. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, việc người dân tự phát nhân rộng ồ ạt diện tích xoài Úc cũng khiến xoài tồn đọng nhiều.
Trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đề nghị các hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ bách hóa xanh, các khu du lịch trong tỉnh tham gia tiêu thụ; đồng thời, đưa xoài vào các chợ đầu mối của các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Về lâu dài, Sở này cũng đã tính đến các biện pháp để quảng bá thương hiệu; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nhân rộng việc thực hiện cấp mã vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc để dần đưa xoài Úc tiếp cận với thị trường thế giới.
Mặt khác, hiện nay xoài chủ yếu là xuất thô nên giá trị thấp, do vậy người trồng xoài cũng mong muốn có được giải pháp bền vững, để nâng cao giá trị của xoài và năng suất lao động của họ.
Ông Đoàn Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây mong muốn, các cấp sẽ có giải pháp hỗ trợ đầu ra, cùng với đó là xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ xoài hoặc xây dựng kho đông lạnh để giúp bà con bảo quản được xoài tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người nông dân gắn bó với xoài.