Lãnh đạo chỉ huy không hiệu quả phải từ chức
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa có nhiều thay đổi trái chiều. Bên cạnh những doanh nghiệp có tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có doanh nghiệp phát sinh lỗ, chiều hướng hoạt động đi xuống.
Cụ thể tính đến nay, có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp sau cổ phần hoá có số lỗ phát sinh lớn như: Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty Licogi lỗ phát sinh 59 tỷ đồng... Thậm chí, có một số doanh nghiệp sau cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...
”Có thể chiếu theo Luật quản lý vốn để doanh nghiệp rà soát lại. Chế tài xử lý thế nào đối với người đại diện phần vốn nhà nước đều được quy định rõ. Hơn ai hết các cổ đông và họp đại hội đồng cổ đông có quyền phế truất luôn. Ví dụ Công ty điện Quảng Ninh vừa qua khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ đã thay hết lãnh đạo", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nói.
Để chèo lái doanh nghiệp hiệu quả sau cổ phần hóa, ý chí, sự quyết tâm và trách nhiệm của người lãnh đạo càng trở nên nặng nề. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết: Sau 5 năm cơ cấu lại, Tập đoàn có mức tăng trưởng 25%/năm. Tuy nhiên, để có kết quả bước đầu này, ông Hùng cho biết trong nội bộ có nhiều ý kiến, kể cả từ lãnh đạo Tập đoàn. “Có người cũng nói là làm nửa thôi, nhưng chúng tôi cũng phải nói là làm cách mạng thì phải hết sức. Cũng phải cam kết với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là nếu không làm được thì Chủ tịch Tập đoàn từ chức, thì Bộ mới ký”, ông Hùng bày tỏ.
Tuy nhiên, VNPT vẫn còn nhiều thách thức từ việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; môi trường pháp lý còn nhiều thay đổi; mâu thuẫn giữa phân cấp quản lý, nếu phân cấp mạnh mẽ thì liên quan tới rủi ro, lạm dụng quyền lực, còn tập trung quản lý thì tắc nghẽn công việc, khó có thể tự chủ, tự quyết. Vì vậy, VNPT đã dùng hệ số đánh giá tín nhiệm để tăng cường năng lực phân cấp; giám sát chặt chẽ trên cơ sở phòng ngừa rủi ro, hậu kiểm, sử dụng quyền phủ quyết nếu dự án có vấn đề.
Thay đổi mô hình quản trị để “bình mới, rượu mới”
“Vẫn còn nhiều DNNN sau cổ phần hóa hầu như chưa có sự thay đổi về chất. Quản trị trong những công ty cổ phần này mang những dấu ấn rất đậm nét từ quản trị của DNNN. Tại rất nhiều công ty mà nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối vẫn là bộ máy cũ, con người cũ và lề lối cũ”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.
Thực tế cho thấy, khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tỷ trọng vốn cổ phần của nhà nước càng ít thì sức ép của các cổ đông lên đội ngũ quản lý công ty càng lớn.
Nói rõ hơn về thực trạng hiện nay của DNNN sau cổ phần hóa, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Việc quản trị DNNN sau cổ phần hóa thực chất đến nay vẫn là "bình mới rượu cũ". Tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp, nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, do đó, những thay đổi cơ bản trong quản trị của các doanh nghiệp này chưa có gì đáng kể.
"Bình mới" là cách gọi từ doanh nghiệp nhà nước chuyển thành doanh nghiệp cổ phần hoá. Rượu cũ là vẫn bộ máy lãnh đạo ấy, thậm chí còn kém hiệu quả hơn trước. Bởi "bình mới" là yếu tố "tranh tối tranh sáng", môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện trái luật nhằm tư lợi.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, Chính phủ đã cơ cấu lại DNNN theo các tầng nấc: Một là áp đặt DNNN hoạt động theo kinh tế thị trường; hai là đổi mới quản trị; ba là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. “Tuy nhiên, hiện nay mới tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn vì hy vọng sau đó doanh nghiệp sẽ thay đổi quản trị và hoạt động theo thị trường”, ông Cung nói, đồng thời nhấn mạnh 2 nội dung đầu tiên còn quan trọng hơn cổ phần hoá, thoái vốn.
Về “áp đặt” nguyên tắc thị trường đối với DNNN trong nhiệm kỳ này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận thấy đã có thay đổi, DNNN không còn ưu đãi riêng, không còn mệnh lệnh hành chính trong chỉ đạo, không còn bù lỗ, đã áp dụng nguyên tắc thị trường với các doanh nghiệp thua lỗ.
Về quản trị doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị tập trung tháo bỏ ràng buộc để DNNN tự chủ kinh doanh, hội đồng quản trị, tổng giám đốc tự quyết định. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung hoàn thiện các nghị định của Chính phủ liên quan tới chủ sở hữu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
"Thực tế vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, là tỷ lệ nắm giữ chi phối mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp dù là sau cổ phần hóa hay bán vốn. Có nghĩa là vẫn nguyên bộ máy lãnh đạo và những con người ấy, nhưng được khoác cái áo mới cổ phần hóa", Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cảnh báo: Từ trước tới nay chỉ chú trọng quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra và vẫn khoác cho DNNN cái áo chật chội, mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DNNN.
Vì vậy theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, để phát triển bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp, cần thay đổi hẳn một tư duy, một cung cách làm ăn của DNNN, doanh nghiệp chưa cổ phần hóa cũng vậy, đã cổ phần hóa thì lại cần công khai, minh bạch thì mới có thể phát triển được và phát triển hiệu quả, phát triển bền vững.
Để tăng cường tính giám sát, nhà đầu tư cập nhật tình hình hoạt động doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng, doanh nghiệp sau khi CPH phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một bước đi quan trọng, bởi khi niêm yết trên thị trường chứng khoán thì tính công khai, minh bạch sẽ được giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào doanh nghiệp đó. “Đây là kinh nghiệm của thế giới mà nước ta hội nhập thì phải tuân thủ”, ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp cải thiện, TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng. Tuy nhiên, cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN; minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.