Nhiều sai phạm lớn
Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nhân có tiếng tăm trên thị trường đã bị khởi tố và xét xử vì liên quan đến những sai phạm. Mới đây, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của người dân trong giai đoạn 2018 – 2019.
Vụ việc liên quan đến nữ doanh nhân đình đám tại TP Hồ Chí Minh, nắm giữ trong tay nhiều công ty có vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng, sở hữu hàng chục mảnh đất có vị trí đắc địa, khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Trước đó, vào hồi tháng 4, ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 đồng phạm cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Ngay trước đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết đã bị bắt vì thao túng thị trường chứng khoán. Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan tại 21 địa điểm.
Hay trong những ngày cả nước vẫn còn căng mình chống dịch COVID-19 thì ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, bị khởi tố với cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19. Ngay sau đó, đã lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý khác trong ngành Y tế.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Những sai phạm của doanh nhân, doanh nghiệp kể trên hay nhiều vụ việc khác, dù không mong muốn nhưng ít nhiều sẽ vẫn tác động tiêu cực đến thị trường.
Ngay trong tháng 10 này, sau thông tin bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, có thông tin Công ty An Đông và bà Trương Mỹ Lan là cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) khiến người dân ồ ạt đến các chi nhánh của ngân hàng này rút tiền, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, cũng như thị trường.
Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tiền tệ vẫn không thể quên thời điểm các đại gia bất động sản FLC, Tân Hoàng Minh bị bắt, thị trường chứng khoán bị rung lắc, ảnh hưởng nặng nề.
Đồng thời, sau những vụ án cũng gây ra những tác động không mong muốn lên môi trường kinh doanh đối với ngành bất động sản. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn sẽ không còn được thuận lợi như trước. Điều này có thể sẽ khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình thế bế tắc nguồn vốn.
Đau xót nhất, là sau vụ việc sai phạm trong vụ Việt Á, đã khiến ngành Y tế rơi vào tình cảnh đầy khó khăn và biến động. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề kỳ họp Quốc hội kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí đầy trăn trở về việc nhiều bệnh viện ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế; dẫn tới việc nhiều bệnh viên công lớn trên toàn quốc thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí cả thiết bị y tế. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì phải tự mua vật tư, thuốc ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm.
Cùng với đó, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ; mục đích nhằm gây hoang mang dư luận.
Trong những ngày gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng sau vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế như: Vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông. Quyết định khởi tố các vụ án này do các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, hoàn toàn không có việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Việc xử lý nhằm góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án như kể trên, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ; mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn. "Bộ Công an khẳng định đây là thông tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật" - Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư. Bộ Công an đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt; tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, doanh nghiệp, doanh nhân sai phạm thì cần chịu trách nhiệm và tuân thủ xử phạt theo quy định của pháp luật. Đây là điều cần thiết để làm lành mạnh thị trường và nền kinh tế.
Nói về các vụ sai phạm trong lĩnh vực kinh tế đang được xử lý, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định việc xử lý những hành vi vi phạm trong các vụ án là đúng quy định của luật pháp, các đối tượng đã được xác định là có vi phạm. Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó; ai sai cũng bị xử lý.
Mục đích của việc xử lý vi phạm ở các doanh nghiệp FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là lành mạnh hóa, tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và người dân.
Bài 2: Cần tách bạch sai phạm của chủ doanh nghiệp với doanh nghiệp