Xử lý sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân để lành mạnh nền kinh tế - Bài 3: Những bất cập trong quy định pháp luật cần thay đổi 

Những giải pháp rất kịp thời và kiên quyết của Chính phủ vừa qua đã được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội và các nhà đầu tư chân chính; giúp khôi phục và củng cố lòng tin, kiềm chế một phần các tổn thất cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát hệ thống cơ chế, chính sách để thay đổi, hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Chú thích ảnh
Cải cách thể chế giúp thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Nhiều quy định chồng chéo tạo “lỗ hổng” cho sai phạm 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước thực tế vẫn còn nhiều doanh  nghiệp lách luật dẫn tới sai phạm, cần rà soát hệ thống cơ chế, chính sách, phát hiện những điều còn sơ hở, chưa chuẩn, dễ tạo thành "bẫy" và dễ bị "lách" để thay đổi, hoàn thiện, chứ không chỉ là xử lý các hành vi và cá nhân sai phạm.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chồng chéo, vẫn còn có những xung đột,  không nhất quán. 

“Có những cái theo cái luật này thì đúng, theo luật khác thì sai. Có những cái chủ trương được đề ra bên trên rất đúng, nhưng khi cụ thể hóa thành thông tư của các bộ, ngành thì lại là thành trở ngại. Cho nên, đôi khi cũng chỉ là một thông tư của bộ, ngành có thể cản trở thực hiện một đường lối lớn của Đảng, của Nhà nước. Hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu minh bạch cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng trục lợi”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, chính vì sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật kinh doanh nên đôi khi, để đáp ứng được yêu cầu của tất cả các quy định của pháp luật liên quan của tất cả các ngành thì đôi khi doanh nghiệp phải “ngồi im”. 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, phải thẳng thắn thừa nhận, môi trường kinh doanh còn có nhiều rủi ro, đó là những rào cản khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển được như kỳ vọng. Trên thực tế, ở mức độ nào đó, doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta còn có những điểm chưa rõ ràng, chưa cụ thể và thống nhất. 

Cải cách mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, môi trường kinh doanh như là nước, nước có tốt thì cá mới lớn nhanh, phát triển mạnh và ngược lại nước xấu thì cá bỏ đi. Vì vậy, các thể chế, chính sách của Nhà nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh và giúp làm thay đổi hành vi của thị trường, của người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế được sai phạm khi hoạt động liên quan đến kinh tế, sản xuất. 

Còn ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái thì cho rằng, việc xây dựng các doanh nghiệp lớn cũng giống như những đầu tàu, còn hiện nay chúng ta chỉ toàn toa tàu thì khó có thể đi nhanh và đi xa được.

“Xét từ 2 chiều, đôi khi cơ chế xin cho tạo cơ hội cho doanh nghiệp sai phạm, nếu tôi vượt đèn đỏ mà vẫn xin được thì tôi sẽ vượt. Việt Nam đang hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới, do đó cũng cần tuân thủ pháp lý và chuyên nghiệp hơn. Thể chế nào, doanh nhân đó, Chính phủ mong muốn khơi dậy cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển thì cần có cơ chế cảnh báo rõ ràng. Nếu kiên quyết từ phía trên, minh bạch, chính sách tốt tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, cái gì chưa hoàn chỉnh thì tiếp tục khắc phục để cho Việt Nam cất cánh”, ông Đoàn chia sẻ.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, cần phải có sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường công khai minh bạch, an toàn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp biết được họ được làm gì, làm như thế nào và quan trọng là hệ thống pháp luật phải đảm bảo được môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. 

“Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm phải tập trung cải cách thể chế, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ cho sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, của thị trường. Cùng với đó là tiếp tục xoá bỏ những chồng chéo trong hệ thống pháp luật kinh doanh, khơi thông dòng chảy cải cách, tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Bên cạnh đó, cần cải cách tiền lương cho toàn bộ cán bộ công chức để họ có thể sống được tiền lương. Điều đó sẽ giúp họ đề cao trách nhiệm của mình trong công việc. Ngoài ra, trong việc tập trung chống tham nhũng, bên cạnh việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, thì cũng phải bảo vệ được các cán bộ dám nghĩ dám làm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Thời gian tới, Chính phủ sẽ phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Thông điệp của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự và bảo vệ doanh nhân kinh doanh chân chính.

Thủ tướng khẳng định, sẽ không dung túng hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ luôn thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. 

"Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp, như: điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng khẳng định: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp; Lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.

“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhau chia sẻ, bảo vệ cái đúng, xử lý cái sai. Việc xử lý người sai, người vi phạm để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của những người làm theo luật pháp”, Thủ tướng khẳng định.

Bài cuối: Củng cố đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh

Thu Trang/Báo Tin tức
 Xử lý sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân để lành mạnh nền kinh tế - Bài cuối: Củng cố đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh
Xử lý sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân để lành mạnh nền kinh tế - Bài cuối: Củng cố đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh

Văn hoá và đạo đức kinh doanh sẽ là khiên chắn, là thành trì bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình nỗ lực bền bỉ gây dựng chữ tâm, chữ tín; đồng thời vượt qua những cám dỗ lợi nhuận từ việc làm phi pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN