Xu hướng "không dám làm"
Hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, khối doanh nghiệp tư nhân đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng chính. Đến nay, Việt Nam hiện có gần 900.000 doanh nghiệp, trong đó 96% là doanh nhiệp vừa và nhỏ. Dù số lượng doanh nghiệp tăng gấp 3 lần trong số 10 năm qua, nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với quốc tế.
“Trong 30 năm qua, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm công ty đa quốc gia, còn chúng ta chỉ xuất hiện tỷ phú chứ chưa có công ty đa quốc gia với công nghệ lõi nào cả”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung (CIEM) thẳng thắn nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia này, một phần của tình trạng này là do doanh nghiệp “không muốn lớn”, không dám làm. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế “chọn - cho” trong Luật Doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp chỉ được làm những thứ pháp luật cho phép. Như vậy, khi doanh nghiệp càng lớn lên, nguy cơ vị phạm càng nhiều.
Trước đây, hệ thống cơ chế tiếp cận theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khu vực yếu thế, nhưng nếu muốn phát triển trong một giai đoạn ngắn thì phải hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng nhanh những ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng nhanh để họ bứt phá lên một ngưỡng mới. Do đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cần thay đổi cách hỗ trợ từ xin, cho thành đồng hành với doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp lớn, Nhà nước nên tìm cách đi cùng hoặc hỗ trợ, thúc đẩy thay vì chỉ giám sát. Nếu khu vực công đã có tư duy giám sát thì sẽ tạo ra rào cản hơn là sự phát triển của doanh nghiệp. Cơ chế xin cho cũng là vấn đề đáng lưu ý khi các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tranh thủ nguồn lực.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đức Anh cho biết, gần đây liên tiếp có việc bắt giam, khởi tố nhiều doanh nhân thành đạt, điều này khiến nhiều doanh nghiệp khác hoang mang. Khi doanh nghiệp càng lớn thì những rủi ro, khó khăn họ gặp phải sẽ càng lớn, vì vậy một người chủ doanh nghiệp khi làm việc gì đều rất cân nhắc, suy tính kỹ càng để đảm lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp người chủ doanh nghiệp vẫn có thể tính sai đường và gây thiệt hại cho doanh nghiệp mình, thậm chí là bị đi tù.
Việc khởi tố, bắt giam chủ doanh nghiệp sai phạm là cần thiết nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, nếu có sai phạm, đúng ra chỉ phải xử lý theo quan hệ kinh tế lại bị hình sự hóa, chủ doanh nghiệp bị bắt, thì hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp.
“Từ các vụ án bắt bớ các chủ doanh nghiệp của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng khiến tâm lý của nhiều doanh nghiệp hiện nay lo lắng. Thậm chí một số doanh nghiệp còn sợ mình sẽ làm sai, mà khi lo lắng sợ sai thì sẽ rất khó để làm việc hiệu quả. Nhất là đối với những doanh nghiệp cần sự sáng tạo, đổi mới, nếu chủ doanh nghiệp sợ sai không chịu sáng tạo, đổi mới thì doanh nghiệp đó sẽ không thể phát triển”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, thực tế cho thấy, đang có xu thế doanh nghiệp chững lại, không dám làm. Đây cũng là lý do đầu tư công khó giải ngân, nhiều dự án dậm chân tại chỗ, bất động sản tăng giá vì thiếu nguồn cung…
Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công, sẽ có những lúc thất bại, vậy nên cần đối xử với làm sao để họ thấy họ luôn được hỗ trợ, được ủng hộ. Khi doanh nghiệp khó khăn, họ cũng cần được chia sẻ, tất nhiên trên tinh thần tuân thủ nghiêm pháp luật. Do đó, để thu hút nguồn lực vào sản xuất kinh doanh thì người đầu tư cần có niềm tin vào thị trường. Sự suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, chứ không hẳn là tốc độ tăng trưởng.
Tách bạch chủ sở hữu và doanh nghiệp
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, khi doanh nghiệp "lớn lên", rất khó để tránh khỏi sai phạm. Trường hợp sai phạm lớn, đương nhiên phải xử lý theo quy định pháp luật, nhưng với những sai phạm vừa và nhỏ, doanh nghiệp cần được cho cơ hội để khắc phục.
Ở Việt Nam hiện nay, đa phần các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn đang dựa vào một vài cá nhân, theo kiểu “con voi đứng trên cái tăm”. Khi một cá nhân gặp vấn đề, cả doanh nghiệp lao đao theo dù đó là doanh nghiệp đã có thương hiệu và tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động.
“Chúng ta cần có sự tách bạch giữa sai phạm của chủ doanh nghiệp với doanh nghiệp, tạo động lực để các doanh nhân đột phá”. Ở đây, ngoài doanh nhân ra thì chính quyền, sở ban ngành cũng cần có đột phá và chấp nhận cái sai, nên cần tạo không khí cả cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền hướng tới đột phá”, ông Nguyễn Đình Đoàn cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường phức tạp, cơ chế thị trường, áp lực về lợi nhuận, những biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước… luôn đặt các doanh nghiệp trước những bài toán khó khăn. Bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, vẫn còn không ít doanh nghiệp lợi dụng sự sơ hở của chính sách, pháp luật, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành chính nói riêng.
Đối với các doanh nghiệp làm ăn nếu có sai sót, hoặc sai phạm, phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, rồi hướng dẫn, hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động theo đúng phát luật chứ không hình sự hóa các sai phạm của chủ doanh nghiệp để gây tâm lý bất ổn cho các doanh nghiệp khác. Đó là cách giải quyết phù hợp, có lợi ích cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.
“Một tập đoàn, doanh nghiệp có quá trình xây dựng khá dài, tạo ra của cải vật chất, đem lại quyền lợi cho cổ đông, tạo việc làm cho người lao động hàng chục năm nhưng khi doanh nhân vi phạm kinh tế thì lại bị quy trách nhiệm và sai phạm cho toàn doanh nghiệp. Điều này không công bằng cho doanh nghiệp và khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, sai phạm thì hãy tìm cách cứu họ hơn là để họ phải đóng cửa vì sai phạm của một cá nhân hay của chủ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Bé cho biết thêm.
Về nội dung này, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh ông cũng đã nhiều lần đề cập đến câu chuyện cần tách bạch giữa chủ sở hữu doanh nghiệp với doanh nghiệp, bởi đó là hai thực thể hoàn toàn khác nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ.
“Tài sản của doanh nghiệp không thể gắn với một doanh nhân, doanh nhân có sai phạm mà niêm phong, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp thì cả xã hội đều thiệt hại, từ các nhà đầu tư đến các đối tượng cho vay vốn như ngân hàng. Việc đó cũng không góp phần gì trong việc xử lý sai phạm của doanh nhân”, TS Nguyễn Đình Cung cho hay.
Là người gắn bó nhiều năm và rất tâm huyết với doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, sai phạm của doanh nghiệp hay doanh nhân cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp là tài sản quốc gia, là bộ phận của nền kinh tế, để gây dựng được một thương hiệu, một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ là điều không hề dễ dàng.
“Đằng sau mỗi doanh nghiệp là hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Nên nếu như lãnh đạo doanh nghiệp sai phạm, kéo theo doanh nghiệp khó khăn thì nhà nước cần có những hỗ trợ bằng cách này hay cách khác để duy trì, vực dậy doanh nghiệp, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp không phải người này thì sẽ có người khác thay thế. Thậm chí trên thế giới cũng đã có những doanh nhân vướng vòng lao lý nhưng sau một thời gian họ vẫn quay trở lại tiếp tục con đường kinh doanh, khắc phục sai lầm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bài 3: Những bất cập trong quy định pháp luật cần thay đổi