Từ năm 2010, chính quyền xã Xuân Du thực hiện quy hoạch các vùng trồng đào nhằm đưa cây đào thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Với việc phát triển kinh tế từ cây đào, nhiều hộ dân ở Xuân Du đã trở thành triệu phú chỉ sau một vài năm trúng vụ.
Những ngày giáp Tết nguyên đán Đinh Dậu, dọc tuyến tỉnh lộ 506 đoạn qua xã Xuân Du, từng đoàn xe tải lớn nhỏ, xe máy, xe thồ nối đuôi nhau vào các nhà vườn để "đánh" đào. Đào phai Xuân Du không chỉ được ưa chuộng ở thị trường phía Bắc mà còn được vận chuyển vào phương Nam.
Anh Lê Xuân Tú (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Thanh Hóa có nhiều vùng trồng đào nhưng năm nào anh cũng lên Xuân Du để mua đào về bán. Từ đầu tháng 10 Âm lịch, anh đã lên gặp các chủ vườn để đặt cọc.
Khoảng từ ngày 20 tháng Chạp, anh cho xe lên chở đào về xuôi, trung bình mỗi chuyến xe "đánh" khoảng 100 gốc đào. Bà con vùng biển quê anh rất thích trưng đào phai Xuân Du với mong muốn tốt lành cho năm mới, cho những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió.
Mới “phất” lên từ cây đào, chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu 2017, gia đình chị Hà Thị Lợi, ở thôn 2, xã Xuân Du đầu tư trồng khoảng 1.000 gốc đào phai, trong đó có khoảng 300 gốc từ 3-5 năm tuổi.
Đến thời điểm này, 80% đồi đào của nhà chị đã có người mua đến thăm, đặt cọc mua đào về bán cũng như chơi Tết. Giá đào năm nay bình quân 300.000-500.000 đồng/gốc, có những gốc từ 1-2 triệu đồng.
Thu nhập Tết này của gia đình chị dự tính khoảng vài trăm triệu. Sang năm, gia đình chị đang có dự định sẽ thuê thêm quả đồi bên cạnh để mở rộng diện tích trồng đào. Thời gian này, ông Đỗ Ngọc Hải (làng Chén, xã Xuân Du) miệt mài chăm sóc, nâng niu từng cành đào, khóm lộc. Ông Hải không giấu niềm vui: Gia đình ông có 300 gốc đào.
Tết này, ông đưa khoảng 100 gốc đào đủ tuổi bán ra thị trường. Đào nhà ông nhiều năm tuổi, nhiều cây có giá từ 2-3 triệu đồng. Thời điểm này, tuy đào vẫn đầy vườn, nhưng thực ra đều đã "có chủ". Khách chỉ đợi vài ngày nữa cận Tết là đem xe lên đưa đào về trưng.
Được đánh giá là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng tốt, phù hợp với việc chuyên canh cây đào, không biết từ bao giờ Xuân Du đã nổi tiếng với nghề trồng đào phai. Điểm đặc biệt nhất của đào phai Xuân Du chính là những nụ hoa mập, khi nở bung ra màu hồng nhạt, hoa to, cánh đẹp, chồi lá biếc xanh, xen lẫn những quả đào xanh non của đợt hoa sớm.
Mấy năm trở lại đây, xu hướng chơi đào phai truyền thống được nhiều người ưa chuộng, nhất là những gốc đào xù xì, được trồng tự nhiên. Theo nhận định của người dân, năm nay thời tiết không thuận lắm nhưng nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm bón nên đào Xuân Du vẫn nở đúng dịp Tết.
Hiện tại, khoảng 80% diện tích đào Xuân Du đã được các thương lái đặt mua, ước tính tổng giá trị thu hoạch từ đào khoảng 25 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Hằng năm, cây đào đem lại thu nhập khoảng chục tỷ đồng cho người dân nơi này.
Bên cạnh đó, xã Xuân Du cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc đào.
Đến nay, cả xã đã phát triển 126 ha trồng đào, tập trung ở 8/14 thôn và được tỉnh công nhận là “Làng nghề trồng hoa đào cảnh”. Ông Mai Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết: Năm 2017, xã định hướng sẽ mở rộng thêm 20 ha trồng đào, đảm bảo số đào 3-5 năm tuổi chiếm 70% tổng diện tích và đưa cây đào thành cây chủ lực phát triển ở địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, xã đã mở được 10 lớp dạy nghề trồng cây đào cho gần 500 hộ điển hình trong xã. Nghề trồng đào không chỉ giải quyết việc làm cho thanh niên trong xã mà còn mang lại thu nhập cao cho người dân Xuân Du.