Xuất khẩu (XK) cá tra “đắt hàng” nhờ sự quan tâm đột biến của nhiều thị trường. Tuy nhiên hiện không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn “bất an” do nỗi lo thiếu vốn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của đơn vị mình.
XK tăng hơn 12% giá trị
Tại cuộc họp sơ kết ngành hàng cá tra quý 1/2012 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức sáng qua (17/4) tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết, 3 tháng đầu năm XK cá tra đã đạt sản lượng khoảng 161.202 tấn, đạt kim ngạch 421.529 triệu USD. Giá XK trung bình của cá tra hiện hơn 2,6 USD/kg, tăng khoảng gần 0,3 USD/kg, đã góp phần nâng giá trị XK so với cùng kỳ năm 2011 thêm hơn 12%. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho hoạt động XK sản phẩm cá tra khi ngành thủy sản đang phấn đấu mục tiêu XK mặt hàng này đạt 2 tỷ USD trong năm 2012.
Thiếu vốn thu mua nguyên liệu đang ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu cá tra của ngành thủy sản. |
Bước sang tháng đầu tiên của quý 2, hoạt động XK của cá tra vẫn tiếp tục đà khởi sắc. Đơn hàng tấp nập và không ít nhà nhập khẩu cá tra phi lê từ những thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ… đang đặt mua khối lượng lớn với giá cao. Dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng do sản phẩm cá tra phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng. “Tại Mỹ, do diện tích nuôi cá giảm 14% làm khan hiếm nguồn cung đã dẫn đến tăng giá cá tra trong nước. Đây là quốc gia có giá trị nhập khẩu hàng phi lê đông lạnh lớn từ Việt Nam nên những biến chuyển của họ tác động rất nhiều đến tình hình XK của các doanh nghiệp. Riêng các thị trường mới nổi khác như Nam Mỹ tăng gần 22%, châu Á tăng hơn 10%... về giá trị”, ông Hòe nói thêm.
Lo thiếu vốn
“Vượng” giá XK, không lo thiếu đơn hàng… nhưng nhiều doanh nghiệp đang phập phồng nỗi lo thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc ngân hàng siết chặt khâu cho vay đang gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đã góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Hầu hết ngân hàng chủ yếu chỉ cho vay ngắn hạn, trong khi nghề nuôi cá tra hiện không chỉ 6 tháng mà kéo dài 8-10 tháng. Do thiếu vốn, các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng, dẫn đến hệ quả việc tiêu thụ nguyên liệu chậm lại và giá cả sụt giảm. Giá cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 25.000 đồng/kg (thời điểm cuối tháng 3) xuống chỉ còn 23.000 đồng/kg hiện nay, đang gây lo lắng cho người nuôi vì vụ thu hoạch chính đang bắt đầu.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá VASEP cho hay, dù lãi suất đã giảm còn 14,5%/năm từ đầu năm 2012, nhưng thực tế doanh nghiệp thường vay với mức lãi lên đến 19 - 20%/năm. Tính toán của ông Minh, để đảm bảo chỉ tiêu 1,3 triệu tấn nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ cho nguyên liệu chế biến cần khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó nhóm sản xuất và XK là nhóm có nhu cầu vay vốn lớn nhất, chủ yếu phục vụ mở rộng vùng nuôi, chế biến XK và thu mua nguyên liệu. “Để đảm bảo thời gian đáo hạn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giá bán thấp để tồn tại, chưa kể các nhà nhập khẩu cũng nhân cơ hội này tung chiêu ép giá. Chúng tôi đề nghị cần giám sát chặt chẽ nguồn tín dụng cho vay bảo đảm đúng đối tượng; xem xét không cắt giảm hạn mức cho vay đối với các đơn vị hoạt động hiệu quả; có cơ chế thích hợp và linh hoạt như giãn nợ, hoãn thu VAT, giãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp…”, ông Minh đề nghị.
Ở góc độ khác, theo đánh giá của VASEP, năm 2012 Mỹ vẫn đứng đầu nhóm thị trường có tiềm năng nhất. Tuy nhiên các doanh nghiệp không nên chủ quan chạy theo số lượng, cạnh tranh về giá bán như thời gian qua mà phải chung tay trong việc xây dựng hình ảnh chất lượng sản phẩm. Thị trường quan trọng kế tiếp là EU khi chiếm đến hơn 26% sản lượng trong quý 1/2012 đang gặp nhiều khó khăn về hồi phục kinh tế, nhưng đây là thị trường lớn, quan trọng và việc giữ vững thị trường này là mục tiêu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Hòe, vì khách hàng ngày càng khó kiếm nên việc giữ chân các đối tác truyền thống, bổ sung thêm những biện pháp hỗ trợ… là hướng đi chung của ngành. Bên cạnh mặt hàng phi lê đông lạnh, doanh nghiệp cần nghiên cứu những sản phẩm khác trong nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong phân khúc thị trường cao cấp.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa