Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Để xuất khẩu cá tra ổn định và đạt được mục tiêu kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2018, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng doanh nghiệp, người nuôi cá tra, mà cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho ngành hàng này.
Tăng trưởng trong khó khăn Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Đây là mức tăng trưởng khá mạnh của ngành cá tra trong bối cảnh xuất khẩu sang EU vẫn giảm mạnh và xuất khẩu sang Mỹ gặp khó vì chương trình thanh tra cá da trơn và áp lực thuế chống bán phá giá cao.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, trong 3 tháng đầu năm, nguồn nguyên liệu cá tra trong nước dùng cho chế biến xuất khẩu vẫn chưa nhiều và giá nguyên liệu vẫn còn ở mức cao nên đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vào đó, hầu hết các thị trường nhập khẩu đều chấp nhận mua cá tra với mức giá cao hơn, tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử như một số loại sản phẩm cá tra xuất khẩu thông thường trước đó có mức giá bán khoảng 2,2 USD/kg, thì nay đã lên trên 3 USD/kg. Sự tăng giá bán là một trong những yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, mặc dù xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên bù lại, xuất khẩu sang các thị trường khác lại gặp nhiều thuận lợi. Không những vậy, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác hiện cũng có giá bán tốt chứ không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mới có giá cao.
Trong khi đó, tình hình nguyên liệu cá tra trong nước lại đang khan hiếm, chi phí sản xuất tăng. Phần lớn sản phẩm sản xuất trong 3 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở những thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015- 31/7/2016.
Với mức thuế cao “ngất ngưởng” 3,87 USD/kg trong POR13 khiến cho số doanh nghiệp cá tra xuất khẩu sang Mỹ vốn đã rất ít nay càng khó để trụ vững trên thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình thanh tra cá da trơn phía Mỹ đang triển khai vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc Mỹ áp thuế cao cho cá tra Việt Nam không phải chỉ xảy ra lần này, tuy nhiên, mức thuế trong POR13 quá cao, ngoài sức tưởng tưởng của cộng đồng doanh nghiệp. Với mức thuế này, rõ ràng, khó có cơ hội xuất khẩu cá tra phile vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các đối tác nhập khẩu của Mỹ xem xét xuất khẩu các sản phẩm ngoài sản phẩm phile đang bị áp thuế cao.
Mặt khác, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu trong năm 2018, ông Hòe cho rằng, các doanh nghiệp có thể gia tăng giá trị xuất khẩu cá tra thông qua việc nghiên cứu, cho ra các dòng sản phẩm chế biến, chất lượng cao. Từ đó, có thể nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững cho cá tra Việt Nam trong thời gian tới.
“Siết” chất lượng cá tra xuất sang Trung Quốc
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra hiện đang tăng trưởng mạnh ở các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN…, đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường EU và Mỹ. Tuy vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh ở thị trường Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang có sự phát triển mạnh theo cả hai hướng. Một bên là các doanh nghiệp tập trung vào việc nâng cao giá trị, chất lượng, hình ảnh sản phẩm, nhưng một bên lại đang cạnh tranh bằng giá. Nếu không giải quyết tốt những yếu tố tiêu cực trong việc cạnh tranh về giá thì xuất khẩu cá tra khó phát triển bền vững ở thị trường này.
Trong quý I/2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ước tăng khoảng 42% so với cùng kỳ và thị trường này đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong tháng 1/2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 41 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu bằng đường biển chiếm 56% và đường bộ chiếm 44%.
VASEP cho rằng, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch giữa hai nước có chung đường biên giới là điều tất yếu nhưng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu đang xuất hiện một số các vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng không đồng bộ, giá xuất qua 2 phương thức này chênh lệch nhau, dẫn đến sự canh tranh không công bằng và gây bất ổn định về nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Để xuất khẩu cá tra ổn định, tránh phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, VASEP vừa có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn đối với mặt hàng cá tra xuất sang Trung Quốc trong 3 tháng tới, khi nguồn nguyên liệu cá tra dồi dào trở lại.
Cụ thể, VASEP muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp về kiểm tra Chứng thư chất lượng sản phẩm trước khi xuất hàng đi.
VASEP cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra vào thị trường rộng lớn này.