Cụ thể, trong 10 ngày đầu tháng Tư này, kim ngạch xuất khẩu của "xứ sở Kim Chi" chỉ đạt 12,2 tỷ USD, giảm 18,6% (tương đương 2,8 tỷ USD), trong khi kim ngạch xuất khẩu trung bình theo ngày làm việc là 1,44 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu công bố ngày 13/4 của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết các mặt hàng chủ lực có mức giảm mạnh nhất. Chip bán dẫn và ô tô giảm lần lượt 1,5% và 7%, các thiết bị viễn thông không dây như điện thoại thông minh (smartphone) giảm 23%, phụ tùng ô tô giảm 31%. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu thô giảm đột ngột do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu chế phẩm dầu mỏ cũng giảm đến 47%.
Xét về các thị trường, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhất với 20%, sang Trung Quốc giảm 10%, sang Mỹ giảm 3%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc cũng chỉ đạt 14,6 tỷ USD, giảm 13% (2,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong tháng Tư này, nhập khẩu thiết bị thông tin viễn thông và khí đốt tăng trong khi nhập khẩu dầu thô, chip bán dẫn và các loại máy móc lại giảm. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng Ba đạt 46,9 tỷ USD, chỉ giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019, và xuất khẩu trung bình theo ngày cũng chỉ giảm 6,4%, được đánh giá tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, bước sang tháng Tư, tình hình đã xấu đi đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng đây mới là thời điểm tác động của COVID-19 đối với kinh tế bắt đầu rõ nét.
Cùng ngày 13/4, Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) cho biết quy mô phát hành trái phiếu chính phủ trong quý I/2020 là 62.400 tỷ won (51,18 tỷ USD), tăng 155,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2006 khi Hàn Quốc bắt đầu thực hiện việc thống kê giá trị trái phiếu chính phủ. Giá trị trái phiếu chính phủ đạt mức cao gần nhất là 56.200 tỷ won trong quý II/2019.
Thông báo của KOFIA cũng nêu rõ, nếu không tính các khoản tiền phải trả, quy mô phát hành ròng trái phiếu quý I vừa qua là 49.700 tỷ won cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Quý I/2019, lượng trái phiếu phát hành chỉ đạt 33.600 tỷ won (khoảng 27,56 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa với việc nợ công của Hàn Quốc cũng sẽ tăng tương ứng.
Theo lý giải của KOFIA, quy mô phát hành trái phiếu chính phủ của Hàn Quốc trong quý I tăng là do nước này đang triển khai các chính sách tài chính mới, trong khi đại dịch COVID-19 gây ra nhiều bất ổn về kinh tế. Tại phiên họp toàn thể ngày 17/3 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua gói ngân sách bổ sung quy mô 11.700 tỷ won, trong đó có 10.300 tỷ won là bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ. Nguyên nhân dẫn đến tăng quy mô phát hành trái phiếu đặc biệt là vì lượng chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp nhà (MBS) do Tổng Công ty tài chính nhà ở Hàn Quốc (HF) phát hành tăng.
Từ tháng 9/2019, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cung cấp các gói vay chuyển đổi an toàn cho người dân để giảm nợ hộ gia đình, cho phép người vay chuyển đổi từ các gói vay thế chấp lãi suất biến động sang các gói vay lãi suất cố định 1%. Để triển khai hình thức này, HF đã tăng lượng phát hành chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp nhà.