Giá giảm sâu
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn dăm gỗ, thu về gần 1,2 tỷ USD, chiếm 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ (7 tỷ USD). Dù là mặt hàng phụ nhưng dăm gỗ đã chiếm một tỉ trọng đáng kể trong giá trị toàn ngành. Tuy nhiên, bước sang năm 2016, ngành xuất khẩu dăm gỗ lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giá dăm trên thị trường thế giới giảm sâu, cộng với việc áp thuế xuất khẩu 2% làm cho giá bán trong nước buộc phải thấp hơn. Bên cạnh đó, cầu tiêu thụ dăm tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 60% lượng xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam) đã co lại.
Ông Nguyễn Như Xuân, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân (Vijachip) cho biết: “Nhiều DN thiệt hại lớn vì tồn kho nhiều. Ngoài ra, chi phí đầu vào đều tăng như: dịch vụ cảng, chi phí vận tải”. Đồng quan điểm này, ông Bùi Phi Yển, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Huế cho rằng: “Việc áp thuế xuất khẩu 2% và cú sốc giảm giá của thị trường dăm gỗ thế giới đã tạo nên một hiệu ứng kép, đè nặng lên các doanh nghiệp dăm gỗ, làm mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Sản xuất dăm gỗ tại Công ty TNHH Gỗ Đăng Việt (Quảng Bình). |
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia lâm nghiệp, những khó khăn hiện tại của ngành chế biến dăm xuất khẩu Việt Nam không đơn thuần là biến động cung - cầu của thị trường tiêu thụ, mà còn do những vấn đề nội tại của ngành. Đặc biệt, do phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng tại một số địa phương, đặc biệt là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung Bộ.
Năm 2009, Việt Nam chỉ có 47 nhà máy dăm với lượng dăm xuất khẩu đạt khoảng 2,3 triệu tấn khô. Đến năm 2012, số lượng nhà máy tăng lên 112 với tổng công suất thiết kế là 8 triệu tấn/năm và lượng dăm xuất khẩu tăng lên 5,8 triệu tấn khô. Đến 2014, lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 7 triệu tấn khô và số lượng nhà máy tăng lên 130.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết: “Ngành dăm phát triển rất nóng. Nếu Nhà nước không có chính sách kìm hãm phát triển lại thì còn khủng hoảng hơn nữa. Thực tế, có Hiệp hội xuất khẩu dăm gỗ nhưng hiện tượng “buôn thúng bán mẹt” tranh mua tranh bán vẫn tồn tại. Do vậy, Việt Nam là nước sản xuất dăm lớn nhất thế giới nhưng lại bị vài “con buôn” thế giới điều tiết”.
Quy hoạch dựa trên cung cầu
Theo dự báo, từ nay đến cuối 2016, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, bằng một nửa kim ngạch của năm 2015.
Về dài hạn, để giảm tăng trưởng nóng, ông Lưu Văn Chánh, Phó Tổng giám đốc, Công ty Liên doanh Cát Phú Nha Trang cho rằng Nhà nước cần có chính sách giao đất giao rừng dựa trên quy hoạch chính xác của từng loại cây trồng theo khu vực. Nhà nước cũng cần quy hoạch, tạo điều kiện cho các cơ sở có kỹ thuật cao đầu tư vào trồng và chế biến dăm gỗ.
Theo ông Tô Xuân Phúc (chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, Mỹ), chất lượng dăm ở một số nơi kém khiến người xuất khẩu bị ép giá, ảnh hưởng tới toàn ngành dăm, bao gồm cả những địa phương có chất lượng dăm cao như: vùng Quảng Ngãi, Bình Định... Do vậy, thiếu vắng cơ chế kiểm soát chất lượng và liên kết trong ngành dăm là các vấn đề nội tại rất lớn của ngành dăm cần được giải quyết.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết chủ trương nhất quán của Nhà nước là giảm tỉ trọng dăm trong cơ cấu xuất khẩu gỗ nhưng không dùng biện pháp hành chính để "ép" ngành dăm. Chính sách thuế về dăm đã bàn trong 5 năm qua, việc áp mức thuế xuất khẩu 2% không phải là bất ngờ và chiến lược phát triển ngành công nghiệp gỗ cũng đã rất rõ. Về vấn đề quy hoạch, Bộ đang lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp.