Tình hình xuất khẩu của ngành dệt may thời gian gần đây đang chững lại, song những tháng cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp gấp rút hoàn thành các đơn hàng. Theo dự báo của ngành, xuất khẩu dệt may cả năm 2013 vẫn tăng trưởng tốt và vượt khoảng 1 tỷ USD so với tổng kim ngạch dự báo ban đầu.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong 9 tháng qua đạt 13 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, dệt may là một trong hai ngành duy nhất đạt trên 10 tỷ USD. “Tuy nhiên, hiện xuất khẩu của ngành này đang chững lại và tăng trưởng không đều. Nguyên nhân là do cuối năm 2012, thị trường các nước bị hụt hàng, nên đầu năm 2013 nhu cầu nhập tăng và đến nay thì chững lại. Một nguyên nhân nữa là sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu sản phẩm dệt may ngày càng diễn ra gay gắt. Ví dụ, mức lương trả cho công nhân tại Việt Nam ngày càng cao cũng ảnh hưởng tới tính cạnh tranh trong xuất khẩu. Lương công nhân ở Campuchia bình quân chỉ ở mức 50 USD/người/tháng, Bangladesh 60 - 70 USD/người/tháng, trong đó ở Việt Nam là 250 USD/người/tháng”, ông Hồng cho biết.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu 2013. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và nhập khẩu nguyên phụ liệu. Hiện có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tranh mua nguyên liệu với các nước chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu khác như Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh... Mặt khác, các nhà cung cấp nguyên liệu cho ngành cũng đang lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố tình trì hoãn việc giao hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy giá tăng thêm từ 10 - 15%. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng xuất khẩu cuối năm đã ký kết trước đó của các doanh nghiệp trong nước.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo ông Hồng, với chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, những nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may, mức tăng trưởng trung bình của ngành vẫn đạt khoảng 15%. Nhiều khả năng, xuất khẩu dệt may trong năm 2013 vẫn sẽ vượt khoảng 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn, lạc quan cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực không ngừng vươn lên tìm kiếm thị trường mới, 9 tháng qua, đơn vị đã đạt doanh thu hơn 900 tỷ đồng, lợi nhuận 52 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2013, doanh thu của doanh nghiệp sẽ vượt 1.100 tỷ đồng, với lợi nhuận đạt khoảng 65 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc tham gia hội chợ thời trang tại Las Vegas (Mỹ) vào tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp đã có thêm một số khách hàng mới ở thị trường này. Trong những tháng tới, các đối tác này sang làm việc với doanh nghiệp để xúc tiến hợp tác. Khi có thêm khách hàng mới, doanh nghiệp sẽ phải mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động”.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tốt khác của ngành dệt may là nếu như những năm trước, tỉ lệ nội địa hoá trong hàng xuất khẩu chỉ đạt 20 - 30%, thì năm nay con số này đã là 40 - 50%. Điều này sẽ khiến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành giảm đi và ngành sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nếu hiệp định thương mại như TPP được ký kết. Không những thế, những năm gần đây, ngành dệt may đã chú trọng đầu tư phát triển thị trường nội địa; nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư cho khâu thiết kế, sản xuất, chuyển giao công nghệ và thương hiệu để cho ra những sản phẩm không thua kém hàng nhập khẩu, như Pierre Cardin (An Phước), San Sciaro (Việt Tiến), Mattana (Nhà Bè)... Trong thực tế, những thương hiệu này còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng may mặc chất lượng cao và trở thành những thương hiệu thế giới được Việt hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, từ những tín hiệu tích cực này, thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đã đề ra và tiếp tục vẽ lên gam màu sáng trong “bức tranh” xuất siêu năm thứ 2 liên tiếp của Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết