10 tháng xuất khẩu cả nước đạt hơn 144 tỷ USD

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 9 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 41,4 tỷ USD, tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 102,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Đánh giá từ các chuyên gia thương mại cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua đạt kết quả chưa như kỳ vọng, thấp hơn cùng kỳ 1,3 điểm phần trăm, do ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới vẫn ở mức thấp, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu và sự sụt giảm giá xuất khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới. Các yếu tố này đã kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của các nước nói chung; trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, xuất khẩu 10 tháng lại xuất hiện những điểm tích cực như xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 7,9% và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 4,9%.

Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kế đó là thị trường EU tăng 7,4% và chiếm tỷ trọng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc tăng 23,9%, chiếm tỷ trọng 12%. Điều này cho thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống trong khu vực giảm như ASEAN giảm 7,6%, chủ yếu giảm do xuất khẩu dầu thô giảm cả về giá và lượng.

Cũng trong 10 tháng, cả nước xuất siêu ước khoảng 3,5 tỷ USD, bằng khoảng 2,4% kim ngạch xuất khẩu.

Phân tích từ phía Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2016 tăng 1,9% là do nhập khẩu của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho gia công xuất khẩu có lượng nhập khẩu tăng dần. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu tiến hành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chuẩn bị cho các đơn hàng của năm sau. Điều này lý giải cho việc kim ngạch xuất khẩu có mức tăng không đáng kể nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng hơn so với các tháng trước. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu lớn nhất vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN sau đó là châu Âu và Hoa Kỳ.

Để đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm, Bộ Công Thương nỗ lực triển khai hiệu quả và trọng tâm Đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối toàn cầu giai đoạn đến 2020. Riêng với các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ tiến hành tập huấn, phổ biến thông tin về thị trường cũng như các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp. Cùng đó, kiểm soát hàng giả và hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, địa phương để đào tạo chuyên ngành (thiết kế, thời trang, marketting...) và nguồn nhân lực tay nghề cao tại các Trường, Viện thuộc Bộ cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, thị trường; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây, gạo...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời. Cùng đó, chủ động triển khai hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngành công thương sẽ giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu để đẩy nhanh tiến độ, góp phần đưa xuất khẩu đạt mục tiêu đã đề ra.

Uyên Hương (TTXVN)
Đánh thuế nhà thứ 2 trở đi có khả thi?
Đánh thuế nhà thứ 2 trở đi có khả thi?

Mới đây, Bộ Tài Chính vừa đưa ra đề xuất lập đề án đánh thuế bất động sản (BĐS), nhất là đối với người có từ nhà thứ 2 trở đi. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN