Tại "Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long sáng nay (ngày 26/2) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Đồng Tháp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị.
Tuy nhiên, từ cuối 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn, giá gạo xuất khẩu giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437.000 tấn với giá trị 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào, các địa phương đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm, trong khi đó, các giao dịch xuất khẩu cũng giảm mạnh vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại gạo nhập khẩu và yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt mặt hàng này.
Trước những khó khăn đó, ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo họp bàn về các giải pháp tháo gỡ, trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua, đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019, với lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản đứng hàng đầu về xuất khẩu. Về gạo, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.