Nên vận hành theo cơ chế thị trường
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mọi ngành, lĩnh vực đều rất khó khăn, thì tín hiệu tốt của thị trường lúa gạo là điểm sáng quý giá, cần phải tận dụng ngay để giúp nông dân vượt qua khó khăn hiện nay và gượng dậy sau dịch bệnh.
TS Đặng Kim Sơn khẳng định, trong thời điểm này, việc Chính phủ đặt ra những lo ngại về an ninh lương thực là vô cùng cần thiết. Nhưng sự thay đổi quá đột ngột trong điều hành xuất khẩu gạo của các bộ ngành đã tạo ra cơn sóng trong ngành lúa gạo những ngày vừa qua.
“Rõ ràng, khi có tình huống đột biến, phức tạp, phải đặt ra vấn đề kiểm soát và trong tình huống này kiểm soát là đúng. Nhưng theo tôi, tốt nhất là không xin - cho, hãy để hạt gạo tự vận hành theo cơ chế thị trường”, TS Đặng Kim Sơn cho biết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, với sản xuất nông nghiệp Việt Nam, các vụ lúa nối tiếp nhau trong cả nước. Năm nay, sản lượng vụ đông xuân thu hoạch bằng hoặc hơn năm trước, tín hiệu thị trường hiện nay rất thuận lợi, chắc chắn nông dân sẽ tăng diện tích hè thu sớm, giúp tăng thêm nguồn cung lúa gạo cả năm.
“Nếu thủ tục thông thoáng thì lượng gạo dư ra để xuất khẩu chắc sẽ cao hơn 6 triệu tấn của năm ngoái. Hoàn toàn không có lý do gì lo ngại về an ninh lương thực”, TS Đặng Kim Sơn cho biết.
Theo chuyên gia này, an ninh lương thực được đảm bảo chủ yếu không phải bằng các biện pháp giới hạn xuất khẩu, mà phải bằng thúc đẩy sản xuất. Càng mở cửa xuất khẩu gạo thì nông dân càng gia tăng sản xuất, giá gạo càng ổn định, đời sống nông dân càng được nâng cao, kể cả người nghèo...
Còn nếu có những lo lắng về chỉ số lạm phát, đột biến giá, khó khăn cho người nghèo không tiếp cận được lúa gạo thì chúng ta phải dùng biện pháp khác để bổ sung cho nguồn cung chứ không nên làm nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng đến động lực sản xuất đã chảy suốt 10 năm nay của ngành hàng lúa gạo.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), điều hành xuất khẩu gạo của chúng ta những ngày vừa qua là quá vội vã, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động, bất ngờ. “Việc chúng ta lo lắng cho an ninh lương thực, gạo có thể bị xuất khẩu nhiều và đẩy giá trong nước lên, là lo lắng đúng. Tuy nhiên, để điều tiết trước thị trường như thế này thì nên có chính sách phù hợp hơn, phải vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng phản ứng và dự báo được tương lai về mặt chính sách cũng như thị trường”, TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Đánh thuế xuất khẩu để minh bạch thị trường gạo
TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, do dịch bệnh, nên các nước, đặc biệt là những nước nhập khẩu gạo, không có khả năng sản xuất về gạo sẽ tăng nhập khẩu. Đây là một thực tế của thế giới. Và vì thế nên nhu cầu xuất khẩu gạo tăng và giá gạo cũng tăng lên. Như vậy, Việt Nam cũng như Thái Lan và một số ít nước khác là nước xuất khẩu gạo, cần đón nhận thực tế này một cách cẩn trọng và tỉnh táo, đồng thời coi đấy là một cơ hội.
“Chúng ta cũng thấy lãnh đạo các nước cũng rất lo lắng cho việc là liệu có mất an ninh lương thực hay không, có làm cho lúa gạo trong nước bị đẩy lên không… Nhưng trong bối cảnh đó thì chúng ta vốn là một nước có thặng dư về sản xuất lúa gạo, và đồng thời các vụ lúa của chúng ta cũng ngày càng tiến lên, chúng ta hoàn toàn có thể có được chính sách bình tĩnh, phù hợp với điều kiện vẫn xuất khẩu gạo. Nhưng cần xem xét nên xuất với một lượng như thế nào để không cho đảo lộn thị trường trong nước”, TS Nguyễn Đức Thành cho hay.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đề xuất, nên đánh thuế xuất khẩu gạo. “Đánh thuế xuất khẩu với những mặt hàng mà chúng ta muốn kiểm soát, muốn làm cho tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại - thì việc đánh thuế xuất khẩu có một ý nghĩa rất lớn”, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất.
Theo TS Thành, việc đánh thuế xuất khẩu gạo sẽ giúp tạo ra giá ở thị trường trong nước thấp hơn giá thế giới, và sự chênh lệch ấy bằng đúng với các khoản thuế xuất khẩu đánh vào như vậy sẽ đạt được các mục tiêu: Làm cho giá gạo trong nước thấp hơn giá thế giới để bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam. Đồng thời lại giúp cho các doanh nghiệp tính toán được và không bị cản trở bởi số liệu nào.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ tính toán là có nên xuất khẩu không, hay là bán cho Cục dự trữ, bán cho người dân ở trong nước. Đồng thời, nhờ việc xuất khẩu thì tiền thuế thu được sẽ vào thẳng Ngân sách Nhà nước, rất minh bạch.
Còn theo TS. Đặng Kim Sơn, ở các quốc gia phát triển xuất khẩu thành công, cách tốt nhất để quản lý phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu không phải là nhiệm vụ của vài bộ ngành liên quan, là một tổ chức liên kết công tư có tất cả các thành phần trong chuỗi giá trị tham gia.
Tổ chức này kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển, thị trường của ngành hàng cho quốc gia như quy hoạch, thu hút, bố trí đầu tư, cân đối xuất nhập khẩu và cả các dịch vụ như phát triển khoa học công nghệ, cho vay... Đây là cách Brazil quản lý cà phê, Malaysia quản lý cọ dầu, Thái Lan quản lý mía đường... rất thành công.
Bộ Tài chính đề nghị công an điều tra thông tin tiêu cực trong xuất khẩu gạo
Trước thông tin báo chí, mạng xã hội cũng như doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo; có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch hay tính minh bạch của người thực thi, ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký văn bản số 4763/BTC-VP gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong xuất khẩu gạo.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tạm dừng xuất khẩu gạo là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 ngày 23/3, trong đó có chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3.
Ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch. Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Quyết định 1106 của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Chi tiết thông tin về doanh nghiệp, số lượng tờ khai hải quan, số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu, thời gian bắt đầu và kết thúc việc đăng ký tờ khai hải quan, Bộ Tài chính đã báo cảo Thủ tướng Chính phủ và công khai thông tin trên cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan).
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan, trong đó yêu cầu Tổng cục trưởng khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung thông tin báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh về những nghi vấn trong việc can thiệp của công chức hải quan, cơ quan hải quan đối với việc mở tờ khai xuất khẩu gạo; xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan báo cáo kết quả trước ngày 30/4.