Ngày 3/10, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo quí 4/2013 sẽ đạt 1,8 triệu tấn, cộng kế hoạch xuất khẩu cả năm sẽ là 7 triệu tấn (giảm 128 ngàn so với kế hoạch do xuất khẩu tháng 9 giảm). Theo VFA, trong quí 4 dự kiến thị trường chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với sự cạnh tranh của Pakistan và Myanmar, tiếp theo là châu Phi với nhiều nguồn cạnh tranh, nhất là Thái Lan và Ấn Độ, nhưng tiềm năng vẫn là Indonesia và nhập khẩu tư nhân Philippines. Tuy nhiên, nếu Indonesia và Philippines không trở lại thị trường sớm trong tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam trong quí 4 sẽ gặp khó khăn và khó hoàn thành kế hoạch.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Tổng hợp từ VFA cho thấy, hiện nay thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và thu hoạch mới bắt đầu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á. Xuất khẩu gạo của Thái Lan đến nay mặc dầu vẫn còn ở mức thấp nhưng đang tăng trở lại, cả gạo trắng và gạo đồ, do giá giảm mạnh liên tiếp, thu hẹp khoảng cách với các nguồn cung cấp khác, tạo điều kiện cho Thái Lan cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là tăng cường bán gạo cũ để giải quyết tồn kho và thu ngân sách cho chương trình cam kết tiếp theo, nên giá chào khác nhau, thậm chí thấp hơn Ấn Độ. Có thể nói hiện nay gạo Thái Lan có khả năng cạnh tranh rất lớn trên hầu hết các thị trường.
Trong quí 4, dự kiến nhu cầu gạo của các nước châu Phi khoảng 3–3,5 triệu tấn (trên cơ sở 12 triệu tấn/năm), Indonesia có tiềm năng nhập khẩu từ 500 – 700 ngàn tấn, Philippines giá gạo trong nước sau thời gian tăng mạnh đã bắt đầu giảm lại do xác định đáp ứng nhu cầu và thu hoạch mới sắp đến, nên khả năng nhập khẩu hạn chế, nhưng có thể cho nhập khẩu tư nhân, Trung Quốc sau khi trì hoãn nhập khẩu trong tháng 8 và 9, dự kiến sẽ trở lại thị trường từ tháng 10 và góp phần quan trọng vào nhu cầu quí 4/2013.
Theo VFA, kết quả xuất khẩu gạo tháng 9/2013 đạt 526.561 tấn, trị giá FOB 230,442 triệu USD, trị giá CIF 234,129 triệu USD. So với tháng 8, số lượng giảm 14,86%, trị giá FOB giảm 12,44%, trị giá CIF giảm 13,14% nhưng giá bình quân tăng 12,06 USD/tấn. Lũy kế xuất khẩu đến ngày 30/9, số lượng gạo xuất khẩu đạt 5,203 triệu tấn, trị giá FOB 2,235 tỷ USD, trị giá CIF 2,320 tỷ USD, giá bình quân FOB 429,47 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2012, số lượng giảm 10,66%, trị giá FOB giảm 13,44%, trị giá CIF giảm 12,34% và giá bình quân giảm 13,79 USD/tấn. Như vậy, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong nước đã giảm liên tiếp trong 3 tháng 7-8-9/2013, tăng sức ép thực hiện kế hoạch cuối năm.
Liên Phương