Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong những quý tiếp theo bởi sự trợ lực từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng với những biến động của kinh tế thế giới, xung đột chính trị, doanh nghiệp cần tổ chức sắp xếp lại chiến lược và định hướng sản xuất kinh doanh để tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng, nhất là vào những tháng cuối năm.
Trợ lực cho xuất khẩu
Theo Tổng cục thống kê, tính đến hết tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 5. Theo đó, 6 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hoá tháng 6 ước tính xuất siêu 276 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã siêu 710 triệu USD; trong khi cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 1,86 tỷ USD.
Với 15 FTA đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1/1/2022 đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng một số FTA thế hệ mới đã phát huy được tác dụng rất đáng kể.
Chẳng hạn như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các quốc gia mới tham gia như Mexico, Peru…thời gian qua đều có mức tăng trưởng xuất khẩu với Việt Nam từ 25-35%.
Cùng đó, Hiệp định RCEP với một thị trường truyền thống gồm ASEAN và 5 đối tác của ASEAN nhưng theo cơ chế cam kết sâu hơn, tạo thuận lợi rõ ràng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, trước đây, thị trường xuất khẩu chính của May 10 vẫn tập trung vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và May 10 luôn cân bằng 3 thị trường trên.
Gần đây, May 10 đã tập trung tận dụng 2 FTA chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu hiện đang rất thấp so với tiềm năng. Do đó, việc áp dụng EVFTA chắc chắn sẽ tạo đà tăng trưởng xuất khẩu rất lớn vào thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng như giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng.
Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Electronic giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu như giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa.
Mặt khác, việc xuất khẩu hàng hóa qua biên giới dù đã được cải thiện nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Ngoài ra, giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng của chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Tạo đà bứt tốc
Đến thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Thang máy Thiên Nam đã gần trở về mốc trước khi dịch COVID-19 bùng phát bởi lượng đơn hàng khá dồi dào.
Dù vậy, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam vẫn chia sẻ doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất do có sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, nhất là mặt hàng Niken làm thép không gỉ để sản xuất thang máy.
Không những thế, cước phí vận chuyển các mặt hàng vật tư quan trọng từ nước ngoài để sản xuất cũng tăng cao và thời gian giao hàng chậm khiến doanh nghiệp rất bị động trong việc thực hiện các hợp đồng kinh doanh.
Theo truyền thống, tháng 7 sẽ là tháng bận rộn nhất trong năm bởi các sản phẩm phục vụ dịp Giáng sinh sẽ được xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ. Do vậy, giới phân tích nhận định Việt Nam sẽ có kỷ lục mới trong năm nay.
Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK) cho biết, nhiều công ty dệt may đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất tới giữa năm, một số công ty thậm chí có đơn hàng đến hết tháng 9. Thế nhưng, nhiều công ty phải từ chối đơn hàng vì không có đủ nhân lực để sản xuất.
Bên cạnh lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp gỗ cũng nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang vận hành hết công suất cho tới quý III/2022.
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, tuy đơn hàng xuất khẩu dồi dào, hoạt động sản xuất phục hồi, lao động ổn định nhưng các ngành sản xuất chủ yếu đang phải gồng mình trong cơn “bão giá” vì hầu hết các chi phí sản xuất đầu vào đều tăng cao.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự báo thời gian tới xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc bởi sự phục hồi của kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Hơn nữa, Bộ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, nhất là trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.