Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep phân tích, doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Về thị trường, Mỹ ngày vẫn còn tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đang phải đối phó với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao và đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng thiết yếu. Áp lực lạm phát khiến người tiêu dùng Mỹ chuyển sang mua các sản phẩm không có thương hiệu để tiết kiệm chi phí. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn.
Tình trạng đó khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu ở mức 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Với Trung Quốc, dù có tín hiệu tốt hơn nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản có mức độ sụt giảm ít hơn Mỹ và Trung Quốc nhưng đều có giá trị nhập khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này đang giảm và được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.
Về cơ cấu sản phẩm chủ lực, kim ngạch xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề do cả hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đều sụt giảm, tổng doanh số xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm 2023 đạt chưa đầy 600 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm mới đạt trên 891 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ.
Trong số các mặt hàng hải sản, xuất khẩu cá ngừ giảm 36%, các loài hải sản khác cũng sụt giảm ở mức 2 con số. Chỉ có mực và một số loài cá biển có chiều hướng tích cực hơn trong tháng 4 với mức tăng lần lượt là 3% và 9%.
Một số doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, trong 4 tháng đầu năm, số lượng đơn hàng đã giảm hơn 30% nên buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên và giảm hơn 40% giờ làm, đồng nghĩa với việc giảm thu nhập gần nửa.
Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep cho biết, sự sụt giảm của thủy sản đã được dự báo từ cuối năm ngoái, nhưng mức giảm sâu như những tháng đầu năm dường như nằm ngoài dự tính của các doanh nghiệp.
Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều giảm mạnh. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền lưu chuyển chậm. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp không có tiền để mua nguyên liệu hoặc không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp cần giảm lãi suất đối với khoản vay bằng USD vì các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản chủ yếu vay USD nhưng hiện nay lãi suất vay USD đã tăng từ dưới 3% lên hơn 4%. Ngoài ra Chính phủ cần có gói tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, giúp nông, ngư dân duy trì việc nuôi trồng, đánh bắt. Mặc dù đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để ngành thủy sản trụ vững trong năm 2023 và có đà hồi phục trở lại khi thị trường tiêu thụ tốt hơn.