Đảo chiều ngoạn mục
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong nửa tháng 11, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29,59 tỷ USD, tăng 3%, tương ứng tăng 867 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2021.
Kết quả này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/11 đạt 569,03 tỷ USD, tăng 22,7%, tương ứng tăng 105,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính đến hết 15/11, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 284,45tỷ USD, tăng 17,7% tương ứng tăng 42,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng công bố tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10/2021 đạt 55 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 28,87 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,85 tỷ USD); nhập khẩu đạt 26,13 tỷ USD, giảm 2,0% (tương ứng giảm 533 triệu USD).
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 99,54 tỷ USD. Với kết quả này, chỉ trong tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thặng dư tới 2,74 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với mức xuất siêu 1,1 tỷ USD được Tổng cục Thống kê ước tính hồi cuối tháng 10/2021. Vì vậy, cán cân thương mại của Việt Nam sau 10 tháng đã đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu 125 triệu USD, không còn thâm hụt 1,45 tỷ USD như ước tính trước đó.
Tổng cục Hải quan nhận định, đây là một tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cho thấy, xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, khi nhu cầu thị trường toàn cầu đang dần hồi phục.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 349,12 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Mỹ: 112,32 tỷ USD, tăng 23,1%; châu Âu: 59,45 tỷ USD, tăng 12,9%; châu Đại Dương: 11,52 tỷ USD, tăng 44% và châu Phi: 7,02 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cả năm có thể duy trì đà xuất siêu
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, còn khoảng hơn một tháng nữa để hoàn thành mục tiêu cả năm, song dịch COVID-19 vẫn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, trước tiên là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất do tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp cũng có cơ hội để phục hồi sản xuất khi Nghị quyết 128/NQ-CP được thực hiện hiệu quả, khi các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải nhận định, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là thành tựu rất lớn bởi năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.
Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.
Đặc biệt, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là những cơ hội để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Qua 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Cụ thể như nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm, còn với thị trường EU, EVFTA đang mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, là tỷ lệ rất đáng kể. Con số còn lại, không phải là hàng hóa của Việt Nam không được cấp C/O sẽ không được ưu đãi, mà nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện nay có thuế suất rất thấp nhờ vẫn đang được hưởng GSP nên một số trường hợp, doanh nghiệp không cần xin mẫu C/O EUR1.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện Việt Nam có nhiều lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh tốt thông qua số liệu xuất khẩu như điện tử, da giầy, dệt may, nông sản, đồ gỗ… Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, nhưng mạnh mẽ đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, khả năng ứng phó với dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp. Do đó, cần sớm đẩy mạnh triển khai những gói hỗ trợ của Chính phủ đến với người dân và doanh nghiệp.