Đơn cử như đầu tháng 6 vừa qua, 5 tấn vải thiều đầu tiên từ Việt Nam của Công ty JV Solutions (Nhật Bản) xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, khách hàng và có sức tiêu thụ tốt với mức giá bán lẻ khoảng 400.000 đồng/kg. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các bộ, ngành; trong đó, xúc tiến thương mại giữ vai trò cầu nối đưa nông sản Việt vươn xa.
Ngay từ trước khi nông sản đến vụ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương; trong đó, có tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều và nông sản tại thị trường nước ngoài. Đến nay, trái vải thiều Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài.
Đầu tháng 6 này, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã mở gian hàng tặng miễn phí vải thiều cho những người tham dự và được rất nhiều người dân Nhật Bản, người Việt Nam ở Nhật Bản đón nhận.
Đặc biệt, Công ty LNS International Corporation (nhà nhập khẩu) và Công ty L&V Food Supply (nhà phân phối) có trụ sở tại Houston, Texas (Hoa Kỳ) đã cùng phối hợp để đưa lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đến thành phố Houston.
Vải thiều tươi Việt Nam đang được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại thành phố Houston trong tháng 6/2023, bao gồm các siêu thị lớn như Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau... Giá bán lẻ cho khách hàng là 14 - 15 USD mỗi pound, hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5 kg), tương đương 3,2 triệu đồng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đây là số vải thuộc lô hàng 1,08 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được bán tại thị trường này. Mặc dù trái vải ở Hoa Kỳ không thiếu, được nhập từ Mexico, Australia và hai bang trồng nội địa là Hawaii và Florida.
Thế nhưng, vải thiều Việt Nam được đánh giá khác biệt bởi rất dậy mùi, cơm dày, hạt nhỏ, ngọt thanh và ít nước. Trong khi những loại khác có ở Hoa Kỳ nước nhiều và vị ngọt hơi chua.
Đại diện Công ty LNS cho biết, để nối tiếp các thành công này, LNS sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu, phân phối, vận tải… để đưa các loại nông sản Việt (bao gồm trái vải tươi) đến nhiều tiểu bang Hoa Kỳ ngay trong tháng 6 này nhằm khích lệ người tiêu dùng Hoa Kỳ và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Việt trên toàn thế giới.
Ngoài ra, vải thiều Việt Nam cũng đã xúc tiến thành công tới thị trường Anh, trái vải không hạt của Việt Nam cũng đã hiện diện tại đây với giá bán lẻ vào khoảng 16 - 18 bảng Anh/kg tương đương khoảng 480.000 - 540.000 đồng/kg.
Theo ông Thái Trần - Giám đốc điều hành TT Meridian - doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh, công ty thử nghiệm nhập loại trái cây đặc sản này để đánh giá nhu cầu thị trường. Nếu chất lượng và mức giá của vải không hạt Việt Nam được thị trường Anh đón nhận, công ty liên tục nhập khoảng 1 tấn quả mỗi tuần trong tháng 6 và tháng 7, thời điểm vào mùa vải thiều ở Việt Nam.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong số đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 215 ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn.
Để chủ động trong việc tiêu thụ vải thiều, tránh trình trạng “được mùa, mất giá”, tỉnh Bắc Giang đã cùng các Cục, Vụ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Công Thương nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch xuất khẩu.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thuộc 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã sang khảo sát, ký kết các hiệp ước kinh tế thương mại; trong đó, cam kết hỗ trợ Bắc Giang xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản… đều khá thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều của Việt Nam.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000 ha, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4 ha) và 15 mã xuất khẩu sang Hoa Kỳ (hơn 184,2 ha). Đồng thời, toàn tỉnh có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia.
Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là bước ngoặt lớn và vải thiều là trái cây đặc sản có thể đến được các thị trường khó tính nhất.
Đặc biệt, lượng vải thiều dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Bắc Giang lên đến sản lượng 1.500 tấn. Hiện tại, Bắc Giang đã có 17 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số) với diện tích 205 ha.
Tương tự, theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải thiều; trong đó 1.700 ha vải sớm. Toàn huyện có khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400 ha VietGAP và 50 ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200 ha. Sản lượng trái vải thiều Thanh Hà năm nay đạt từ 65.000-67.000 tấn
Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm.
Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để tổ chức Hội nghị trực tuyến với 4 tỉnh thành phố khác và cùng Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu nông sản Hải Dương đến các quốc gia, các khách hàng để hỗ trợ tiêu thụ, không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam. Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này có những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, các hãng vận tải như Vietnam Airlines, Bamboo Airways… giảm cước vận chuyển trái vải vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế khác.
Mặt khác, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu hoa quả tươi quốc tế cần tập trung đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy lợi thế của mình tích cực tham gia xuất khẩu.
Trong nhóm này không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu tại Hoa Kỳ, trước mắt là doanh nghiệp Việt Kiều giúp tiêu thụ hàng hoá tại các chuỗi chợ, trung tâm thương mại châu Á.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt - bán đoạn, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục hỗ trợ thông tin về thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đồng thời, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ở khu vực và thế giới.
Ngoài ra, các đơn vị sẽ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ vải thiều và nông sản có tiềm năng, thế mạnh của địa phương với các tập đoàn phân phối, doanh nghiệp nhập khẩu tại các nước và mời gọi kênh phân phối, các tập đoàn bán lẻ có chi nhánh tại Việt Nam đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực.