Theo nội dung của đề án, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân từ 1 - 2%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 3.530 tỷ đồng; tỷ trọng trồng trọt và dịch vụ đến năm 2025 chiếm từ 29 - 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, ngành trồng trọt sẽ chuyển đổi dần diện tích trồng lúa, ngô hiệu quả thấp sang các loại cây trồng chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch; ưu tiên hỗ trợ xây dựng dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tăng cường khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tỉnh Yên Bái chú trọng hiệu quả sản xuất tại các vùng chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô trên 5.000 ha tập trung tại cánh đồng lớn bằng việc sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần chọn lọc chất lượng cao như chiêm hương, séng cù; phát triển vùng lúa nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ, Cao Phạ, Nậm Có với diện tích khoảng 300 ha, sản lượng 1.200 tấn.
Cùng với đó, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm lúa gạo hàng hóa của tỉnh như: gạo Mường Lò, Bạch Hà, chiêm hương Đại Phác... Diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 1.000 ha.
Tỉnh Yên Bái cũng tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu lên 2.000 ha và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tập trung tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn với sản lượng kén tằm đạt trên 5.000 tấn.
Đồng thời, tỉnh cơ cấu lại diện tích cây chè khoảng 7.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 65.000 tấn/năm, sản lượng chè khô đạt trên 13.000 tấn/năm; phát triển mở rộng diện tích chè Shan đặc sản, hữu cơ với diện tích từ 2.000 - 2.200 ha, sản lượng chè búp tươi từ 5.000 - 7.000 tấn/năm; cơ cấu lại vùng chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp bằng nhiều giống chè nhập nội như: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... với diện tích từ 1.500 - 2.000 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm.
Đối với cây ăn quả, tỉnh tăng diện tích sản xuất lên 10.000 ha, đạt sản lượng trên 65.000 tấn với diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 7.850 ha; trong đó, diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...) hoặc được cấp mã số vùng trồng khoảng 1.500 ha.
Riêng các loại cây ăn quả có múi, tỉnh sẽ ổn định về quy mô sản xuất với diện tích 5.500 ha, sản lượng đạt trên 30.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm; trong đó, các sản phẩm OCOP như cam sành Lục Yên duy trì diện tích khoảng 200 ha, sản lượng 2.000 tấn; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận khoảng 100 ha.
Cùng đó, vùng bưởi đặc sản Yên Bình phát triển với quy mô diện tích từ 1.200 - 1.300 ha bằng giống bưởi Đại Minh, sản lượng 15.000 tấn và diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận khoảng 500 ha…