Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các ban quản lý dự án kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ; đề xuất kịp thời các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan và hợp đồng xây lắp (cắt chuyển khối lượng, thay thế, bổ sung, chấm dứt hợp đồng).
Đối với nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ ký kết (chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 theo quy định của hợp đồng, nhưng nhà thầu không có chuyển biến tích cực về tiến độ), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ban quản lý dự án xem xét báo cáo bộ qua Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chấm dứt hợp đồng.
"Phần khối lượng công việc chưa thực hiện đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác đồng thời thực hiện các thủ tục gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với các nhà thầu bị xử lý chấm dứt hợp đồng theo quy định", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Mặt khác, Bộ trưởng Thể cũng bày tỏ kiên quyết với nhà thầu không hoàn thành hợp đồng (bị xử lý chấm dứt hợp đồng) sẽ được đánh giá không đáp ứng ở bước đánh giá sơ bộ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý (từ 3-5 năm).
Đối với nhà thầu vi phạm tiến độ nhưng chưa đến mức phải xử lý chấm dứt hợp đồng, các ban quản lý dự án tăng cường đôn đốc kiểm tra, giám sát, yêu cầu nhà thầu có giải pháp khắc phục ngay; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nếu nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án khác thuộc phạm vi quản lý.
Với những dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm nhà thầu theo quy định nêu trên.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông vận tải nhấn mạnh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án phân công lãnh đạo đơn vị thường trực tại hiện trường và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu của dự án.
Ban quản lý dự án yêu cầu các nhà thầu cập nhật, điều chỉnh tiến độ thi công các tháng tiếp theo, đảm bảo bù lại phần khối lượng chậm tiến độ; xây dựng kế hoạch giải ngân phù hợp tiến độ điều chỉnh đồng thời chỉ đạo các nhà thầu xây lắp huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực, chủ động nguồn vật tư, vật liệu, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ; thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Giám đốc Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ Giao thông Vận tải và các quy định liên quan đối với dự án được giao quản lý không đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu; chậm trễ trong việc xử lý vi phạm nhà thầu theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan.