Cụ thể, công điện của Bộ Giao thông Vận tải cho hay, qua các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, trong ngày 18/12/2018 đã xảy ra hiện tượng một số lái xe phản đối, dừng xe tại trạm thu phí dẫn đến phải xả trạm.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác; khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần BOT VIETRACIMEX 8 (nhà đầu tư) và các cơ quan chức năng của UBND thành phố Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/2018 và văn bản số 891/2018/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải; Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 25/12/2018.
Ngày 18/12 vừa qua, tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) xuất hiện hàng chục tài xế đưa xe tới tập trung tại các làn thu phí để phản đối việc thu phí và yêu cầu di chuyển trạm BOT này đi khỏi vị trí khác. Các lái xe đưa nhiều loại phương tiện khác nhau như xe ô tô con, xe tải, xe taxi cùng treo băng rôn đi đến trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài rồi cho xe dừng tại đây yêu cầu chủ đầu tư di dời trạm về tuyến đường tránh.
Tất cả các lái xe đều yêu cầu trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài chuyển về tuyến tránh Tp. Vĩnh Yên. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các xe nêu trên di chuyển ra khỏi khu vực trạm để giảm ùn tắc giao thông.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí đường bộ để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đây là một trong ba dự án nằm ngoài phạm vi dự án (trạm Cầu Rác, Hà Tĩnh; Tào Xuyên, Thanh Hoá; Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.
Công điện nêu rõ, việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư); trong đó có hợp đồng BOT, giúp hệ thống hạ tầng giao thông có nhiều thay đổi tích cực. Các dự án góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân ủng hộ. Việc thu hút đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, một số dự án BOT giao thông còn tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục. Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.
Để sớm lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn. Lãnh đạo các tỉnh phải có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.