Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Nông Thị Thược, ở xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc, Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tâm sự: “Nghề dệt thổ cẩm tại xóm đã có từ rất lâu đời. Không chỉ tôi, mà tất cả phụ nữ trong xóm đều biết dệt thổ cẩm từ khi mới hơn mười tuổi, những người con gái về làm dâu sau đó cũng học nghề dệt thổ cẩm để tự dệt những sản phẩm phục vụ cho gia đình”. Theo bà Thược, các sản phẩm dệt thổ cẩm khá đa dạng, gồm mặt địu, mặt chăn, ga trải giường, khăn trải bàn… Các họa tiết thường được người Tày đưa vào sản phẩm thổ cẩm thường là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hàng ngày.
Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ.
Nghề dệt thổ cẩm khó nhất là công đoạn tạo hoa văn, nhiều hoa văn phải mất mấy ngày mới tạo thành. Vừa tâm sự, đôi tay bà Thước vừa thoăn thoắt mắc khung, tạo hoa văn rồi dệt, thoáng chốc đã tạo thành những hoa văn độc đáo trên tấm thổ cẩm.
Hiện, bà Thược còn giữ 3 khung cửi để hàng ngày ngoài thời gian làm nông sẽ dệt thổ cẩm. Bà còn thuê 10 chị em trong xóm dệt thổ cẩm tại nhà rồi thu mua lại và giao cho khách hàng đặt. Mỗi sản phẩm dệt trung bình từ 2 - 4 ngày, giá bán trung bình từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Sản phẩm thổ cẩm của bà Thược có kiểu dáng, hoa văn độc đáo, nên thường được khách hàng trong tỉnh và ngoài đặt mua. Nhiều sản phẩm thổ cẩm của bà còn được mang đi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội, Thái Nguyên và được khách hàng khắp nơi đánh giá cao.
“Hiện nay, các gia đình đều truyền nghề cho con gái và con dâu, nhưng không phải ai cũng yêu thích và có niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm. Tuy vậy, tôi và rất nhiều người dân trong xóm Luống Nọi mong muốn duy trì nghề dệt thổ cẩm của tổ tiên để lại”, bà Thược chia sẻ.
Với sự cống hiến, gắn bó trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm bà Thược vinh dự là một trong hai người của tỉnh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” Việt Nam năm 2014.
Tin, ảnh: Công Hải