Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị (36-NQ-TW) ban hành ngày 26/3/2004 đã nhấn mạnh thành công của cộng đồng người Việt cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã đánh giá cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Đối với tầng lớp trí thức người Việt ở nước ngoài, Nghị quyết 36 đánh giá nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, Nghị quyết 169 của Chính phủ (169-NQ/CP) ngày 31/12/2021 đã ban hành chương trình hành động của chính phủ. Theo Nghị quyết 169, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị yêu cầu, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong chương trình hành động của Nghị quyết 169 đã ban hành 2 đề án liên quan đến cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Đề án thứ nhất là “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”, do Bộ Ngoại giao và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.
Đề án thứ hai là “Vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước giai đoạn 2021-2026” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.
Cùng với Nghị quyết 36, đây chính là 2 đề án đã tạo nền tảng vững chắc cho cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phát triển lớn mạnh như ngày nay.
Bộ Ngoại giao – Tăng cường vị thế tại địa bàn cho các hội đoàn người Việt
Quan hệ của Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Với sự hợp tác sâu rộng và tin tưởng giữa hai chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có vai trò quyết định trong việc khẳng định sự ủng hộ của Nhà nước Việt Nam cho các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, trong đó có AVIJ. Đối với cộng đồng, sự công nhận của Đại sứ quán là lời đảm bảo về tính chính danh của AVIJ, cũng như các hội đoàn người Việt khác. Sự ủng hộ và bảo trợ của Đại sứ quán dành cho AVIJ, từ việc xúc tiến thành lập cho đến các hoạt động của hội trong suốt những năm qua là cơ sở để AVIJ có được vị thế vững vàng trong hệ thống hội đoàn của người Việt tại Nhật Bản cũng như sự công nhận của các cơ quan hữu quan Nhật Bản.
Sự bảo trợ của Nhà nước Việt Nam mà đại diện là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dành cho AVIJ trước Chính phủ Nhật Bản đã giúp AVIJ được các cơ quan hữu quan Chính phủ Nhật Bản cũng như các tổ chức, đơn vị nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho hội triển khai các hoạt động, thực hiện vai trò là nơi kết nối của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cũng như kết nối với trí thức Nhật Bản.
Đây chính là nhiệm vụ mà Nghị quyết 169 đã nêu, đó là “tập trung củng cố các hội đoàn truyền thống, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tổ chức quần chúng ở ngoài nước, khuyến khích việc thành lập các hình thức hội đoàn mới, tư vấn, hướng dẫn các bước thành lập và hoạt động hội đoàn” và “tăng cường hỗ trợ hoạt động hướng về quê hương của các hội đoàn”.
Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương khẳng định Đại sứ quán đã thực hiện vai trò thúc đẩy, thống nhất các hội nhóm trí thức riêng lẻ, mở đường cho sự hình thành một hội trí thức thống nhất, hoạt động có tôn chỉ, mục đích và phương hướng cụ thể, nhận được sự công nhận của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và cũng như chính phủ Nhật Bản. Theo ông Tạ Việt Phương, không chỉ giới hạn ở phạm vi Việt Nam và Nhật Bản, Đại sứ quán còn là cầu nối để AVIJ mở rộng phạm vi hoạt động, kết hợp với các cộng đồng trí thức Việt Nam ở các nước khác trên thế giới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện tốt vai trò bảo trợ cho AVIJ cũng như các hội đoàn khác của người Việt tại Nhật Bản, chính là nhiệm vụ mà Nghị quyết 36 đã đề ra. Đó là “Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước sở tại với quê hương”.
Bên cạnh việc bảo trợ cho AVIJ, thực hiện đề án “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài” trong chương trình hành động của Nghị quyết 169, Đại sứ quán còn chủ động thực hiện các cuộc gặp mặt, trao đổi với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, trong đó có sự kiện “Gặp mặt 100 trí thức Việt Nam tiêu biểu tại Nhật Bản”.
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cùng cộng đồng trí thức ngày càng có nhiều nghiên cứu, đề xuất và đóng góp ý kiến thiết thực, hiệu quả hơn nữa, làm cầu nối giúp Việt Nam ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giải quyết các bài toán, các yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Buổi gặp mặt đã nhận được các ý kiến đóng góp từ hơn 20 giáo sư, phó giáo sư Việt Nam trong các ngành công nghệ thông tin, vi mạch, vật liệu, y tế, nông nghiệp, kinh tế… đang giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp nước Nhật Bản; 15 chủ tịch, giám đốc, quản lý doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã đánh giá lực lượng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản luôn có những hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc với nhiều tư vấn phản biện chính sách cũng như nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tổ chức nhiều diễn đàn để kết nối chia sẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Hỗ trợ nguồn lực ổn định
Cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đóng vai trò bảo trợ cho AVIJ trước Chính phủ Nhật Bản và cộng đồng người Việt, Bộ Kế hoạch – Đầu tư là đơn vị hỗ trợ hiệu quả các hoạt động của AVIJ. Theo tinh thần đề án “Vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước giai đoạn 2021-2026” của Nghị quyết 169, một trong hội liên kết với AVIJ là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo mở Việt – Nhật (VJOIN).
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN 100) thành lập ngày 19/8/2018 dưới sự chủ trì của Chính phủ cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học – công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. VIN 100 kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Theo chủ trương này, VJOIN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ thành lập vào năm 2019 với tầm nhìn là nền tảng mở cầu nối giữa các giải pháp chuyên nghiệp và trí tuệ với nhu cầu công nghiệp và học thuật ở Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều thành viên trong thành viên Ban chấp hành AVIJ đồng thời là thành viên Ban chấp hành VJOIN như Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương phụ trách doanh nghiệp tại Nhật Bản của VJOIN hay Cố vấn AVIJ Lê Đức Anh phụ trách mảng nghiên cứu trong trường đại học tại Nhật Bản của VJOIN.
Như vậy, cùng với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, AVIJ còn nhận được sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong mục tiêu thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám Việt Nam trên thế giới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương khẳng định sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp cho AVIJ có một nguồn lực ổn định để xúc tiến thành công các hoạt động của hội, tiêu biểu như Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Dự án Tuyển tập Giới thiệu Khoa học – Công nghệ Nhật Bản cùng nhiều dự án khác.
Từ những kết quả trên cho thấy, sự hỗ trợ và phối hợp hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ cho Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản chính là thực hiện tốt nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết 169. Đó chính là “Xây dựng các biện pháp đồng bộ, củng cố, hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài” và “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp thường xuyên giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong nước với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài”.
Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho biết Hội trí thức Việt Nam hiện nay quy tụ khoảng 2.000 thành viên nòng cốt từ khắp nơi Nhật Bản, đều là những cá nhân ưu tú, năng động và mong muốn được đóng góp cho Tổ quốc, cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Có thể khẳng định, với những thành công đã đạt được, lực lượng trí thức, doanh nhân khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, đồng thời trở thành cầu nối cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Sự thành công của Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản một lần nữa đã chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác người Việt ở nước ngoài khi luôn luôn “coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, thành công của cộng đồng người Việt cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam”.