Đó là một thành công lớn khi AVIJ đã tạo được một nền tảng bước đầu. Phong trào của AVIJ tại Nhật Bản phát triển mạnh, đa dạng và sôi nổi, được nhận xét là đầu tàu cho cộng đồng người Việt nói chung tại địa bàn. Tuy nhiên, mục tiêu bao trùm của AVIJ không chỉ giới hạn ở cộng đồng người Việt tại địa bàn mà là sự đóng góp hiệu quả của trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cho đất nước.
Vẫn còn những trăn trở
Đề cập những thành quả mà AVIJ đạt được, Chủ tịch AVIJ nhận định kể từ khi thành lập vào tháng 11/2019 đến nay, hội đã có những hoạt động có tầm vóc, có tính thường xuyên như Tuyển tập Giới thiệu Khoa học - Công nghệ Nhật Bản, Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, các hội thảo chuyên đề thường xuyên hàng tháng do các hội liên kết thức hiện.…
Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho rằng đó những sản phẩm mang tính thương hiệu của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, giúp định vị AVIJ là một tổ chức cộng đồng có uy tín cao về học thuật - khoa học.
Theo anh Tạ Việt Phương, AVIJ đã vượt qua được những khó khăn của những ngày đầu để xây dựng được hội trí thức hoạt động mạnh tại địa bàn như ngày nay. Mục tiêu bây giờ là “tiến lên phía trước”, đó chính là trong tương lai làm sao tận dụng được nguồn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản một cách hiệu quả nhất.
Về điều này, Chủ tịch AVIJ thừa nhận vẫn còn những vấn đề mà các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản trăn trở.
Đầu tiên là hiệu quả thực chất gặt hái từ những hoạt động của hội tại địa bàn. Chủ tịch AVIJ khẳng định các hoạt động mà hội tổ chức được đến nay như Vietnam Summit in Japan 2023, các hội thảo chuyên đề được tổ chức đều đặn hàng tháng chắc chắn là bổ ích, giúp hội xây dựng được một nền tảng tốt vì thu hút được sự tham gia tích cực của các trí thức với nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp sôi nổi, chắc chắn là bổ ích nhưng rất khó định lượng mặt hiệu quả thực chất.
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi rằng các kiến thức, ý kiến trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản các năm, các hội thảo chuyên đề hàng tháng… đọng lại ở đâu, bao nhiêu người gặt hái được lợi ích từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế như thế nào, có ra được đề án khoa học nào từ các buổi thảo luận đó hay không, thì rất khó để có câu trả lời.
Trăn trở thứ hai là sự kết nối giữa trí thức Việt Nam tại Nhật Bản với trong nước. Theo Chủ tịch Tạ Việt Phương, nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán và các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, AVIJ đã có được sự kết nối với trong nước nhưng sự kết nối này vẫn còn hạn chế, hầu như chỉ trong phạm vi với những bộ, ban, ngành đang phối hợp với hội hiện nay.
Tại Việt Nam, ngoài các cơ quan có phối hợp với hội như Đại sứ quán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ…, không nhiều nơi biết đến Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mở rộng sự kết nối giữa các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản với nhiều bộ, ban, ngành hơn ở Việt Nam, làm sao để có thêm kênh liên lạc với các bộ, ban, ngành để từ đó đưa ra được các công việc thực chất hơn như tư vấn chính sách công...
Không chỉ kết nối với các bộ, ban, ngành, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản còn muốn xúc tiến việc kết nối với các doanh nghiệp của Việt Nam liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ hay tư vấn.
Băn khoăn thứ ba là vấn đề cơ chế. Anh Tạ Việt Phương nêu lên một ví dụ liên quan đến gợi ý AVIJ xúc tiến việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Anh cho biết lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra gợi ý này. Xét về cả bối cảnh và năng lực, đây là một gợi ý rất hợp lý. Thứ nhất, nếu việc chuyển giao công nghệ do các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tiến hành, thì chi phí cho việc chuyển giao này là khá lớn và mức độ chuyển giao có giới hạn. Tức là nếu so sánh về chi phí và mức độ thực hiện thì hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản sẽ có chi phí thấp hơn và mức độ chuyển giao sẽ cao hơn.
Thứ hai, tình trạng dân số già của Nhật Bản đã làm nảy sinh thực trạng có nhiều doanh nghiệp và nhỏ tại Nhật Bản có những kỹ thuật, công nghệ có giá trị cao được đúc rút từ nhiều thế hệ nhưng do dân số lão hóa, thiếu lao động nên các doanh nghiệp này không phát triển được, thậm chí còn bị thu hẹp và xóa sổ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản nhỏ và vừa Nhật Bản rất thiếu người, trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng. Bài toán đặt ra là làm sao để đưa lực lượng trẻ Việt Nam vào làm việc, vừa giúp các doanh nghiệp này duy trì, thậm chí phát triển hoạt động, đồng thời các lao động Việt Nam cũng tiếp thu được công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.
Một ý tưởng lớn như vậy cần phải có kế hoạch với đường hướng, biện pháp và mục tiêu được vạch ra một cách cụ thể. Đó chính là cơ chế. Có cơ chế làm nền tảng, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản mới có thể vạch ra kế hoạch hành động, dự án cụ thể để triển khai.
Như vậy, ba trăn trở của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay gồm: làm thế nào để mở rộng kết nối với các bộ, ban, ngành trong nước để từ đó có những dự án cụ thể; tiếp xúc với các doanh nghiệp trong nước để tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước với khoa học – công nghệ Nhật Bản và cơ chế để AVIJ có thể tự tạo cho mình được nguồn lực tài chính thay vì chỉ dựa vào nguồn tài chính từ việc xin tài trợ và phí thành viên.
Mong muốn của các trí thức Việt Nam
Từ những băn khoăn trên, có thể thấy bên cạnh việc ủng hộ cho hội hoạt động tích cực tại Nhật Bản, AVIJ cũng cần đến sự quan tâm mạnh hơn của các bộ, ban, ngành để có thể thực hiện các hoạt động phối hợp với trong nước.
Mong muốn đầu tiên là truyền thông trong nước để làm tăng độ nhận diện của hội tại Việt Nam. Mục tiêu truyền thông thứ nhất là hướng đến đối tượng bộ, ban, ngành và mục tiêu truyền thông thứ hai là hướng đến các doanh nghiệp để tìm hiểu các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu gì và các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản có thể đáp ứng được như thế nào.
Để đáp ứng được yêu cầu này, cần tạo ra một sân chơi, một kênh chính thức cho AVIJ tại Việt Nam, đồng thời có biện pháp truyền thông rộng rãi để thêm nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong nước biết đến vai trò, năng lực và mục tiêu của AVIJ. Chủ tịch AVIJ cho rằng việc giao lưu thường xuyên và mở rộng hơn sẽ mở thêm các cơ hội.
Mong muốn thứ hai là vấn đề cơ chế. Để sự phối hợp giữa AVIJ với các đơn vị trong nước đạt hiệu quả, cần có những có những dự án, trong đó có có đề bài, có kinh phí và có sự bàn giao với kết quả rõ ràng, định lượng được. Tiếp đó, để triển khai được các dự án, cần phải có cơ chế phù hợp để thu hút các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tham gia.
Trên thực tế, việc kêu gọi các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản về nước làm việc sẽ không có tính khả thi cao vì họ đã có cuộc sống, công việc ổn định, hơn nữa mục tiêu là tận dụng được nguồn kiến thức mà các trí thức tích lũy trong quá trình học tập và làm việc tại Nhật Bản. Vậy làm thế nào để các trí thức Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản nhưng vẫn có thể đóng góp hiệu quả cho đất nước thông qua những dự án mà họ có thể làm ngoài giờ. Đó chính là tạo cơ chế, chẳng hạn như có chế độ chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài với những đãi ngộ hợp lý căn cứ trên đóng góp của mỗi người cho các dự án, công trình...
Mục tiêu của cơ chế này không chỉ thu hút được chuyên gia Việt Nam tham gia vào các dự án, công trình mà còn tạo ra nguồn tài chính ổn định từ chính dự án hội đảm nhận. Để có nguồn tài chính ổn định, AVIJ cần có nguồn dự án có cam kết lâu dài, tối thiểu là từ 2 năm. Cuối cùng, một dự án có nguồn kinh phí, có thời hạn sẽ cần có các nhân lực chuyên trách với lương sẽ do chính nguồn tiền từ dự án chi trả.
Lấy ví dụ về gợi ý AVIJ xúc tiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Một dự án như vậy cần phải nhân lực chuyên trách, chuyên nghiệp, có chuyên môn phù hợp để lên chương trình, biện pháp… cụ thể vì các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản có thể không đúng chuyên môn, đồng thời là những người kiêm nhiệm, tức là gánh vác công việc của hội trong khi vẫn đang làm công việc tại Nhật Bản. Việc các thành viên AVIJ đồng thời đảm nhiệm quá nhiều việc sẽ quá sức, không đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Ví dụ, với mục tiêu A và một nguồn quỹ cố định, giao Hội Trí thức tại Nhật Bản hoặc Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản một dự án và cam kết chuyển giao được bao nhiêu công nghệ trong vòng 3 năm. Hội sẽ tìm nhân lực chuyên trách cho dự án, đảm nhiệm những đầu việc trong quá trình triển khai thực thi dự án như làm việc với toàn bộ các phòng thương mại công nghiệp của từng tỉnh, từ đó kết nối tìm kiếm các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, tìm hiểu xem họ có những kỹ thuật gì và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được đến đâu, rồi sau đó trao đổi với các chuyên gia trong AVIJ đóng vai trò cố vấn để đánh giá, nhận định và vạch ra đường hướng triển khai.
Với những dự án như vậy, AVIJ vừa có có nguồn kinh phí chủ động để tuyển dụng nhân lực chuyên trách và ban chấp hành sẽ thực hiện vai trò cố vấn. Điều đó có nghĩa là hội vừa có kinh phí trả lương cho nhân lực vận hành, vừa có đãi ngộ cho các chuyên gia.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã xác định nhiệm vụ thứ 2 gồm “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.
Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà” và “Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài”.
Nhiệm vụ thứ 6 trong Nghị quyết 169 của chính phủ cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gồm xây dựng và triển khai Đề án tăng cường thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, trong đó có nhiệm vụ “tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách trong việc vận động các trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp hài hòa giữa trọng dụng và trọng đãi” và “triển khai các chương trình cụ thể thu hút những nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó quan tâm hơn nữa tới nhóm kiều bào trẻ, thông qua vai trò làm cầu nối giới thiệu hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam đóng góp cho công cuộc phục hồi và phát triển đất nước. Trao quyền tự chủ hơn nữa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia thu hút và sử dụng nguồn chất xám kiều bào”.
Chủ tịch AVIJ Tạ Việt Phương cho biết các hoạt động phong trào mạnh của AVIJ tại Nhật Bản đã khẳng định vai trò đầu tàu của hội tại địa bàn nhưng để hội có đóng góp nhiều hơn cho đất nước thì cần phải nâng tầm hoạt động. Không chỉ hoạt động cho cộng đồng, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản mong muốn đóng góp được những lợi ích thực chất hơn cho đất nước.
Những mong muốn của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản phù hợp với những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ. Để đạt được mong muốn này, cần sự quan tâm nhiều hơn từ trong nước, trong đó nền tảng là tạo cơ chế để tạo điều kiện cho các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản được đóng góp nhiều hơn cho quê hương, theo đúng chủ trương, đường lối đã được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong nghị quyết.