Mỗi khi Tết đến Xuân về, dù sống ở nơi đâu, những người con đất Việt vẫn gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền như cách để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, luôn hướng về cội nguồn với lòng biết ơn sâu sắc.
Phóng viên TTXVN tại Anh đến thăm gia đình chị Vũ Thị Phương vào một ngày giáp Tết, lúc chị đang tất bật đón khách, những người hàng xóm ở quận Bromley thuộc Đông Nam London, nơi gia đình chị sinh sống. Căn nhà xinh xắn, gọn gàng của chị Phương tràn ngập không khí Tết với hai bình mai vàng và đào Nhật Tân bung nụ khoe sắc.
Cứ vào dịp Tết hằng năm, gia đình ba thế hệ của chị Phương lại gói bánh chưng, món ăn mà chị nói không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tất niên của gia đình, mặc dù để duy trì tập tục này không dễ như ở quê nhà. Chị Phương cho biết không giống như ở Việt Nam, vào dịp Tết, vợ chồng chị vẫn đi làm, các con vẫn đi học. Để chuẩn bị cho nồi bánh chưng, chị phải tranh thủ cuối tuần đi mua sắm những nguyên liệu không dễ kiếm như lá dong, lạt, gạo nếp thơm tại những cửa hàng chuyên bán đồ Việt ở khá xa nhà. Mặc dù vậy, gia đình chị vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng hằng năm, bởi "đây là một phong tục đặc sắc của dân tộc gắn với truyền thuyết Vua Hùng dựng nước”, như lời bác Phạm Ngọc Khôi, bố chồng chị Phương.
Vào dịp lễ quan trọng nhất trong năm, không chỉ gói bánh chưng, gia đình chị Phương còn duy trì mọi phong tục của Tết cổ truyền như cúng tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; dâng hoa, bày mâm ngũ quả, sửa soạn cỗ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu vào chiều 30 Tết; cúng Giao thừa; xông đất; chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, con trẻ; đi lễ chùa đầu Xuân... Chị Phương chia sẻ mặc dù rất khó để chuẩn bị một cái Tết tươm tất ở Anh, chị luôn cố gắng duy trì truyền thống đón Tết trong gia đình bởi việc gìn giữ các phong tục tốt đẹp của dân tộc giúp giáo dục các con luôn nhớ về cội nguồn dù sống xa quê cha đất tổ. Dù các con còn nhỏ, chị Phương luôn khuyến khích các cháu phụ giúp ông bà, bố mẹ gói bánh chưng bằng những việc đơn giản như lau, rửa lá dong, ngâm gạo, đãi đậu... Bác Phạm Ngọc Khôi cho rằng học gói bánh chưng là cách thực tế để các cháu tìm hiểu về cội nguồn, điều đặc biệt cần thiết đối với các thế hệ trẻ người Việt sống ở nước ngoài.
Cũng giống như nhiều khu dân cư ở Việt Nam, xóm Việt ở Bromley của chị Phương mỗi năm lại tụ họp tại một gia đình để cùng gói bánh, luộc giò và chuẩn bị các món ăn truyền thống ngày Tết. Năm nay đến lượt gia đình chị Phương. Một hàng xóm thân thiết của chị Phương, bác Lê Đại Vinh, đã sống ở Anh hơn 30 năm, chia sẻ, tụ họp gói bánh chưng là truyền thống của xóm Bromley, giúp những người con xa xứ như bác và chị Phương vun đắp tình làng, nghĩa xóm, một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của người Việt cần được truyền lại cho các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Anh.
Sự trân quý, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền từ những kiều bào như chị Phương và những láng giềng đáng mến của chị đã góp phần không nhỏ lan tỏa những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong các thế hệ người Việt ở nước ngoài, là nguồn nội lực lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.