Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN |
Thực tế cho thấy, người Việt ở CH Séc tuy mải miết làm ăn nhưng không phải là không quan tâm đến những sự kiện chính trị lớn tại đất nước sở tại. Trước thềm cuộc bầu cử những người Việt am hiểu tình thế bỏ nhiều công sức ra để nghiên cứu các cương lĩnh của các đảng, qua đó nắm bắt đường hướng mà các đảng sẽ thực hiện nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Đối với người Việt tại Séc ba câu hỏi cần được giải đáp càng sớm càng tốt là sau bầu cử chính sách thuế chặt chẽ hay lỏng lẻo hơn, thời điểm nào Séc gia nhập khu vực đồng euro, người nhập cư có thể được tiếp nhận vào Séc hay không và những hệ quả từ việc này như thế nào.
Lĩnh vực kinh tế chiếm một vị trí trung tâm trong cương lĩnh tranh cử của các đảng và được nhiều người Việt quan tâm. Một trong những đề xuất đáng chú ý là giảm thuế thu nhập ở mức 19% đối với những người có thu nhập mỗi năm từ 113.000 koruna trở xuống nhưng lại tăng lên 22,05% đối với những ai có thu nhập cao hơn 113.000 koruna.
Hiện tại mức thuế thu nhập đang ở mức 21%. Căn cứ theo mức thu nhập hiện nay của các hộ kinh doanh người Việt thì họ có nguy cơ phải chịu mức thuế cao. Từ ngày 1/3/2017 Luật Thống kê doanh thu trực tuyến, gọi tắt là EET, được áp dụng đối với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hóa và hàng chục nghìn người Việt Nam chịu tác động mạnh từ việc này. Thực tế hơn nửa năm qua cho thấy, EET là một cuộc thử thách lớn đối với cộng đồng người Việt, là một cuộc sàng lọc nghiệt ngã. Cộng đồng Việt Nam tại Séc không muốn có những xáo trộn thêm nữa sau cuộc bầu cử Hạ viện.
Vấn đề từ bỏ đồng tiền quốc gia để sử dụng đồng euro không chỉ chia rẽ các chính đảng mà là toàn bộ xã hội Séc. Trong khi nhiều đảng muốn Séc giữ đồng koruna càng lâu càng tốt thì lại có đảng chủ trương sớm gia nhập khu vực Eurozone, đẩy nhanh tiến trình hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU). Người Việt cũng như phần đông người dân Séc không mặn mà với đồng euro. Kinh nghiệm cho thấy việc nước láng giềng Slovakia sớm sử dụng đồng euro khiến cho giá cả tăng cao trong khi thu nhập của người dân còn rất thấp so với mức trung bình của các nước EU.
Một trong những chủ đề nóng bỏng nhất của chiến dịch tranh cử hiện nay ở Séc là hạn ngạch phân bổ người tị nạn của Liên minh châu Âu (EU). Phần lớn người dân Séc không muốn tiếp nhận người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi bởi cho rằng dòng người tị nạn Hồi giáo mang đến nguy cơ khủng bố tiềm ẩn. Người Việt tại Séc cũng lo ngại sự khủng hoảng di cư hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến thái độ của người dân nước sở tại với các cộng đồng nhập cư nói chung.
Người Việt ở Séc lo ngại chính sách thuế khóa được thắt chặt hơn sau bầu cử. |
Phần lớn người Việt ở Séc không thể hiện thái độ rõ ràng đối với một đảng phái cụ thể trong số 31 lực lượng tham gia tranh cử và 8 đảng có khả năng có đại diện trong Hạ viện, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) hay phong trào ANO. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Công dân (ODS) - lực lượng chính trị từng rất mạnh và cầm quyền trong một giai đoạn dài cho đến năm 2013, được coi là có thái độ thiện chí nhất đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Séc, trong đó có người Việt. ODS thậm chí còn đưa một phụ nữ gốc Việt làm ứng cử viên của đảng tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này.
Cộng đồng người Việt tại Séc chỉ có một mong muốn bình dị giống như lời của ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN: Dù đảng phái nào lên nắm quyền sau bầu cử thì vẫn cần ưu tiên cho việc ổn định tình hình chính trị - xã hội, không đưa những chính sách kinh tế - tài chính mới cực đoan làm xáo trộn hoạt động kinh doanh cũng như mức thu nhập của người dân.