Người phụ nữ trẻ ngồi trong buồng lái chiếc máy bay hai cánh nghiên cứu bảng điều khiển, sau đó bật công tắc và ra hiệu cho nhân viên mặt đất. Nắm lấy cánh quạt, một nhân viên kỹ thuật quay mạnh. Động cơ nổ từng tiếng rời rạc sau đó phát ra tiếng gằn lớn. Sau khi động cơ nóng lên, nữ phi công tăng ga và điều khiển chiếc Curtiss JN-4 xuống đường băng gập ghềnh. Khi chiếc phi cơ từ thời Thế chiến thứ nhất tăng tốc, bà thả lỏng cần số và nhẹ nhàng bay lên không trung.
Biểu tượng của sự “cất cánh”
Một lần nữa, Bessie Coleman - người phụ nữ da đen đầu tiên có bằng lái máy bay hơn một thế kỷ trước - được trải nghiệm cảm giác phấn khích khi bay lên bầu trời. Sau khi chiến đấu với thành kiến về giới tính và nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ - nơi không một ngôi trường dạy bay nào chấp nhận bà, bà đã học tiếng Pháp, sang Pháp và giành được chứng chỉ quốc tế về lái máy bay tại đây.
Là một phi công gan dạ trong những năm đầu của ngành hàng không, Coleman đã thực hiện vô số tiết mục nhào lộn như vũ bão trong các chuyến bay biểu diễn trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, bà còn nhảy dù từ máy bay trước sự kinh ngạc của khán giả. Người hâm mộ thường gọi bà là “Nữ hoàng Bess” hay “Bessie dũng cảm”.
Bà cũng là một biểu tượng phi thường về sự ngoan cường. Trong thời đại của luật Jim Crow thực thi sự phân biệt chủng tộc, bà quyết tâm thành công và biến ước mơ của mình thành hiện thực. “Tôi không chấp nhận câu trả lời là không”, bà Coleman nói.
Bà Dorothy Cochrane, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian, nơi có bộ sưu tập ảnh và tài liệu lưu trữ ghi lại cuộc đời của nữ phi công, cho hay: “Bessie quả thực là một người phụ nữ gan dạ của thời đại. Bất cứ ai khác cũng có thể bỏ cuộc”.
Sinh ngày 26/1/1892 tại Texas, bà Bessie là một trong 13 người con của vợ chồng Susan và George Coleman. Đi hái bông cùng với cha mẹ, kiếm sống bằng nghề buôn bán lặt vặt, bà quyết tâm đạt được thành công trong cuộc sống bất chấp mọi khó khăn chồng chất. Với quá trình đó, nữ phi công táo bạo và là người tiên phong về quyền dân sự này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ cất cánh, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bà Carole Hopson là một trong những phụ nữ như vậy. Bà biết đến câu chuyện về phi công Coleman ở tuổi 50, đúng lúc bản thân quyết định bỏ việc khỏi bộ phận tiếp thị để theo đuổi ước mơ trở thành phi công của hãng hàng không thương mại. Hiện tại, bà Hopson làm cơ phó cho hãng United Airlines trên máy bay phản lực Boeing 737. Bà cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết “A Pair of Wings” ra đời năm 2021 và được lấy cảm hứng từ kỳ tích của Bessie Coleman.
“Lần đầu tiên biết đến Bessie Coleman, tôi nghĩ rằng mình đã gặp một siêu anh hùng. Khi mọi người nói với tôi rằng tôi không thể làm những gì tôi muốn làm, tôi đã nghĩ đến bà ấy. Bessie không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng hơn thế nữa, bà ấy còn là một nhà tư tưởng phản biện. Nếu bà ấy biết mình không thể làm được điều gì đó tại đây, bà ấy sẽ nghĩ ‘vậy mình có thể làm ở đâu?’. Đó chính là nguồn cảm hứng của tôi”, bà nói.
Khao khát thay đổi cuộc đời
Năm 1915, Coleman hoà mình vào cuộc Đại di cư cùng với hàng triệu người Mỹ gốc Phi khác lên phía Bắc để thoát khỏi những luật lệ áp bức ở miền Nam. Bà chuyển đến Chicago và nhận công việc làm móng tay ở tuổi 23. Nhưng thật tâm, Coleman mong muốn nhiều hơn thế. “Tôi muốn tìm một cuộc sống ý nghĩa hơn”, bà tâm sự.
Theo lời kể của Gigi Coleman, cháu gái của bà Bessie, lái máy bay chính là cơ hội mà bà đang tìm kiếm. Gigi nói: “Cô tôi luôn tin tưởng vào bản thân. Bà xem ước mơ trở thành phi công là điều không thể từ bỏ. Bà hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục. Khi nghe các anh trai nói rằng ở Pháp, phụ nữ như bà đang lái máy bay, bà đã rất quan tâm”.
Ông Lonnie G. Bunch, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Smithsonian nhấn mạnh bà “Bessie Dũng cảm” khác biệt so với người khác ở sự ham học hỏi. “Bà ấy đã chọn một con đường đáng kinh ngạc và thực sự trở thành biểu tượng cho nhiều thế hệ sau”, ông Bunch nói thêm. Chính Robert Abbott, nhà xuất bản của báo Chicago Defender, là người đã khuyên Coleman rời Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình.
Nhưng khi bà đến Pháp vào năm 1921, vì một vụ tai nạn lúc đó, các trường dạy bay ở Paris đã không nhận nữ học viên. Sau đó, theo “hậu bối” Hopson, bà Coleman đã đi tàu đến miền Bắc nước Pháp để tới ngôi trường dạy bay tốt nhất do anh em nhà Cauldron điều hành. Bessie đã thuyết phục họ dạy bà lái máy bay. Đó cũng là nơi bà đã nói câu nói nổi tiếng: "Mỗi câu trả lời là không lại đưa tôi đến gần hơn với câu trả lời là có".
Không chỉ vậy, bà còn sống cách trường học 15km và phải đi bộ đến hàng ngày. Sau khi lấy được chứng chỉ quốc tế, Coleman được đào tạo ở Đức cùng với các cựu quân nhân lái máy bay trong Thế chiến thứ nhất. Họ đã cùng nhau thực hiện những màn nhào lộn bất chấp tử thần trên không. Ngày bà trở lại nước Mỹ cũng kém phần chói lọi.
Coleman đã làm mưa làm gió trên khắp đất nước, xuất hiện tại hầu hết các sự kiện hàng không và hội chợ địa phương. Trên các tờ báo thuộc sở hữu của người da màu, họ quảng cáo rằng: “Hãy xem nữ phi công liều lĩnh này biểu diễn các pha mạo hiểm sởn tóc gáy”. Cách mặt đất cả nghìn mét, bà thuần thục làm động tác xoay và lộn vòng. Khi bay cùng một phi công khác, bà sẽ đi trên đôi cánh, sau đó nhẹ nhàng nhảy dù xuống đất.
Reeve Lindbergh, con gái của phi công nổi tiếng Charles Lindbergh, và là tác giả của cuốn sách dành cho trẻ em “Nobody Owns the Sky: The Story of 'Brave Bessie'", nói: “Bessie Coleman là một trong những anh hùng vĩ đại của tôi”. Qua những chuyến phiêu lưu trên không của chính mình, bà nói với mọi người rằng ai cũng có thể lái máy bay.
Thực tế về sự phân biệt đối xử vào những năm 1920 ở Mỹ vẫn chưa được thừa nhận một cách đầy đủ. Và Bessie Coleman là một thành tựu bất thường trong ngành hàng không nhờ ý chí và sự kiên trì tuyệt đối. Mặc dù báo chí của người da màu theo dõi sự nghiệp ngắn ngủi của bà, nhưng báo chí chính thống của người da trắng thì không. Vì vậy, trong nhiều thập kỷ, ngay cả rào cản này đã bị phá vỡ, người phụ nữ da đen vẫn là ẩn số của lịch sử. “Đây là lý do tại sao ngày nay câu chuyện của bà rất hấp dẫn”, người phụ trách bảo tàng Cochrane nói.
Khi sự nổi tiếng của Coleman cất cánh, sức ảnh hưởng của bà cũng vậy. Ở nước Mỹ nặng nề tư tưởng phân biệt chủng tộc, khán giả buộc phải sử dụng các lối đi riêng tại rạp chiếu phim dựa theo màu da của họ, thì khi đó Coleman từ chối bay trừ khi có các điều kiện bình đẳng cho tất cả những người tham dự.
Vào ngày 22/2/1923, sau khi mua một chiếc máy bay riêng, bà Coleman đã gặp tai nạn nghiêm trọng đầu tiên ở Los Angeles. Ở độ cao 100 mét, động cơ của máy bay dừng hoạt động rồi lao thẳng xuống đất. Nữ phi công gãy chân, gãy 3 xương sườn và nhiều vết rách trên mặt.
Trên giường bệnh, Coleman nói rằng vụ tai nạn là một bước lùi nhỏ chứ không phải khoảnh khắc có thể kết liễu cuộc đời mình: “Bạn nói với thế giới rằng tôi đang trở lại. Việc tôi còn sống chứng minh rằng bay trên trời không nguy hiểm hơn là ngồi ô tô trên mặt đất”.
Coleman mất vài tháng để hồi phục, nhưng bà đã trở lại. Bà quay trở lại với công việc mạo hiểm và bắt đầu tiết kiệm tiền cho một giấc mơ khác. Bà muốn mở một trường dạy bay để những người Mỹ gốc Phi khác có thể trải nghiệm sự tự do giống như bà.
Bà Bessie Coleman nói: “Người da đen không cần phải trải qua nỗi khó khăn mà tôi phải đối mặt. Vì vậy, tôi quyết định mở một trường dạy bay cho những người phụ nữ da đen khác bay. Tai nạn có thể xảy ra và sẽ có người thay thế tôi”.
Tuyên bố của Coleman là một điềm gở. Vào ngày 30/4/1926 tại Florida, bà cất cánh trên một chiếc máy bay hai cánh ở ghế phi công phía sau cùng với người thợ máy William Wills đang lái chính. Bà Coleman không đeo dây an toàn, nghiêng người qua một bên để dò tìm vị trí hạ cánh cho cuộc nhảy dù được lên kế hoạch vào cuối ngày hôm đó.
Ở độ cao hơn 1.000 mét, chiếc máy bay bất ngờ lao chúi mũi và lật nhào. Bà Coleman bị văng khỏi máy bay và ngã tử vong. Thợ máy Wills cũng thiệt mạng trong khi máy bay rơi sau đó giây lát. Các nhà điều tra kết luận đây là một vụ tai nạn: một đai ốc bị lỏng đã làm kẹt bộ điều khiển, khiến máy bay mất kiểm soát.
Cái chết của bà Coleman ở tuổi 34 là tin tức trên trang nhất báo chí của người da đen, trong khi báo chí chính thống chủ yếu tập trung vào cái chết của Wills. Ông ấy là người da trắng. Mọi người đã choáng váng trước cuộc sống ngắn ngủi của người phụ nữ trẻ năng động từng đạt được rất nhiều thành tích. Mặc dù bà không có cơ hội mở trường dạy bay của mình, nhưng di sản của bà để lại sẽ truyền cảm hứng học bay cho nhiều người Mỹ gốc Phi khác. Câu lạc bộ Bessie Coleman Aero được thành lập để tưởng nhớ bà, giúp mang lại cơ hội được bay trên bầu trời cho cộng đồng da màu.
Bessie Coleman là nguồn động lực để nhiều người khác vượt qua các trở ngại lớn trong cuộc đời. Điển hình là bà Merryl Tengesdal, Đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu. Bà là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên và duy nhất lái máy bay do thám U-2 đầy thử thách. “Giống như bà Coleman, tôi muốn đưa bản thân lên cấp cao hơn. Cuộc đời của bà là một câu chuyện về sự kiên trì. Hãy nỗ lực hơn nữa. Đừng bỏ cuộc", Đại tá Tengesdal nói.