Trong những năm đầu của thế kỷ XIX, phẫu thuật ngoại khoa đã có mặt phổ biến ở tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trên thế giới.
Tuy nhiên, do không mấy ai có ý thức đầy đủ về công việc phẫu thuật nên tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ thường rất cao. Để khử trùng dụng cụ giải phẫu và làm sạch vết thương, bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister đã tiến hành thử nghiệm bằng acid carbonic.
Bác sĩ người Anh Joseph Lister. |
Đầu thế kỉ XIX, vai trò của phẫu thuật trong điều trị bệnh tật và thương tổn đã được khẳng định. Rất nhiều bệnh nhân đã qua cơn thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong khi điều trị lại không giảm đi là mấy.
Không ít những bệnh nhân tưởng như đã được cứu sống nhờ phẫu thuật thì sau đó lại chết dần chết mòn vì những biến chứng do phẫu thuật. Chẳng ai hiểu nguyên nhân vì sao, càng không biết phương cách nào để phòng chống hiện trạng bi đát này.
Và cuối cùng, người tìm ra lời giải là bác sĩ Joseph Lister khi tìm ra vai trò của chất sát trùng trong khống chế bệnh lây nhiễm. Đây là mốc lịch sử quan trọng ngoại khoa và cũng là một trong những nỗ lực sớm nhất để kiểm soát và khống chế nhiễm trùng ngoại khoa. Cuộc đời Lister là những đóng góp to lớn cho y học.
Joseph Lister sinh ngày 5/4/1827, trong một gia đình giàu có ở Upton, Essex, ngoại ô London. Do sinh trưởng trong gia đình có truyền thống say mê nghiên cứu khoa học tự nhiên nên ngay từ khi còn nhỏ, Lister đã có được tính nghiêm túc và chặt chẽ trong phương pháp nghiên cứu khoa học.
Trải qua thời niên thiếu tại nhiều trường học tốt nhất ở trong vùng, đến năm 1852, Lister tốt nghiệp đại học tổng hợp London hạng ưu với chuyên ngành y khoa. Ngay sau đó, ông chuyển đến làm việc cho một bệnh viện ở Edinburg, Scotland, trên cương vị là một bác sĩ phẫu thuật.
Sau nhiều năm làm việc ở Edinburg với những thành công trong nghiên cứu khoa học và giải phẫu, đến năm 1860, Lister được phong hàm giáo sư giảng dạy môn phẫu thuật tại trường Đại học Glasgow.
Làm việc tại bệnh viện Hoàng gia Glasgow, hàng ngày Lister đã phải chứng kiến và hết sức trăn trở trước những ca tử vong do nhiễm trùng nặng sau các cuộc phẫu thuật.
Ông đã nhận thấy rằng đối với các vết thương kín, mặc dù bị bầm giập nhiều nhưng sau khi điều trị vẫn dễ lành khỏi. Trái lại, đối với những vết thương hở, người bệnh thường dễ bị nhiễm trùng nặng, khó chữa khỏi và gây nguy hại đến tính mạng.
Đến năm 1865, trong một cuộc thảo luận về vấn đề nhiễm trùng với giáo sư hóa học Thomas Anderson, Lister được giới thiệu cuốn sách có nhan đề Nghiên cứu về hiện tượng thối rữa của nhà hóa học người Pháp Louis Pasteur, Lister thật ngạc nhiên và chú ý đến luận điểm của Pasteur cho rằng trong không khí có những mầm vi sinh vật, đây chính là nguyên nhân gây hiện tượng lên men và thối rữa.
Phải chăng ở nơi phòng mổ, không khí cũng chứa đầy những mầm đó? Lister suy nghĩ và ông quyết định phải loại bỏ các mầm vi sinh vật này.
Lister quyết định thử nghiệm phương pháp tẩy trùng bằng acid carbonic cho các trường hợp vết thương hở. Ông làm những gạc sát trùng tẩm acid carbolic (nay là phenol).
Đối với những trường hợp gãy xương phức tạp, khó tránh khỏi nhiễm trùng và tử vong, ông còn rửa vết thương bằng acid carbonic và dùng gạc sát trùng tẩm acid carbonic băng kín lại, đồng thời thường xuyên thay gạc. Ông ngạc nhiên nhận thấy vết thương khô nhanh, không có chút mủ nào và liền sẹo rất nhanh.
Không dừng lại ở đó, với quan điểm không khí cũng có vi khuẩn nên vào năm 1870, Lister quyết định dùng acid carbonic bơm vào và rải đều trong không khí phòng mổ. Đây là thử thách hết sức khó khăn vì acid carbolic dưới dạng hơi này có thể gây độc cho nhân viên y tế và bệnh nhân.