Người dân Ukraine thắp nến và đặt hoa tại tượng đài các nạn nhân của thảm họa Chernobyl ngày 26/4/2015 tại Slavutich, cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn 50 km. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa Chernobyl có Tổng thống Ukraine Petr Porochenko và ông Suma Chakrabarti, Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, tổ chức đã dành nhiều hỗ trợ tài chính cho việc bảo đảm an toàn cho nhà máy sau này.
Cách đây đúng 30 năm, vào lúc 1 giờ 30 sáng (theo giờ địa phương) ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nằm cách Kiev khoảng 100 km về phía Bắc, bỗng nhiên phát nổ trong quá trình thử nghiệm an toàn.
Trong suốt 10 ngày, các thanh nhiên liệu hạt nhân vẫn tiếp tục cháy, thải ra không khí các phần tử chứa phóng xạ. Theo các chuyên gia, những thành phần phóng xạ này gây ô nhiễm tới 3/4 lãnh thổ châu Âu, nghiêm trọng nhất là tại Ukraine, Belarus và Nga, lúc đó vẫn nằm trong Liên bang Xô Viết.
Tổng cộng 116.000 người đã được sơ tán vào năm 1986 trong phạm vi 30 km xung quanh khu vực nhà máy điện nguyên tử. Trong những năm tiếp theo, 230.000 người khác cũng được sơ tán. Hiện vẫn có khoảng 5 triệu người Ukraine, Belarus và Nga sống trong những vùng bị nhiễm xạ với các mức độ khác nhau.
Trong vòng 4 năm, khoảng 600.000 “người dọn dẹp”, chủ yếu là binh lính quân đội, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên của nhà máy, đã được huy động tới những khu vực bị thảm hoạ với trang bị bảo hộ thô sơ để dập tắt hỏa hoạn, tiếp theo là xây một vỏ bọc lớn bằng bê tông để cách ly lò phản ứng bị tai nạn và dọn dẹp những khu vực xung quanh.
Theo số liệu của Liên hợp quốc công bố vào năm 2005, có khoảng 4.000 trường hợp tử vong được xác nhận tại ba nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) sau này đã thẩm định lại số người chết do thảm họa lên tới gần 100.000 người. Sau tai nạn, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tiếp tục sản xuất điện cho đến năm 2000, khi lò phản ứng còn hoạt động cuối cùng bị buộc ngừng hoạt động do sức ép của cộng đồng quốc tế.