Một mẫu xe của hãng BMW. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng trước đã tiến hành một cuộc điều tra xem liệu ô tô nhập khẩu có tạo ra một mối đe dọa an ninh quốc gia và Tổng thống Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế 20% đối với tất cả ô tô lắp ráp tại châu Âu nhập khẩu vào Mỹ.
Trong một lá thư mới đây gửi đến Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, BMW cho biết hoạt động chế tạo ô tô trong nước không có mối tương quan rõ ràng với an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời khẳng định việc áp đặt thuế sẽ không thúc đẩy tăng trưởng và khả ntính cạnh tranh của Mỹ.
Nhà máy của BMW tại Nam Carolina là nhà máy lớn nhất của hãng này trên toàn cầu và xuất khẩu hơn 70% sản lượng ô tô hàng năm đến các thị trường khác. BMW cho biết các mức thuế Trung Quốc áp đặt với ô tô con của Mỹ để trả đũa hành động Mỹ áp đặt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã làm tăng chi phí xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời khẳng định bất cứ mức thuế nào của Mỹ sẽ đều tiềm ẩn khả năng dẫn đến thêm nhiều biện pháp trả đũa từ Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Các mức thuế cao hơn áp đặt với phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ còn sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất khác nằm ngoài biên giới Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. BMW nhận định tất cả những nhân tố này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu ô tô từ Mỹ sang các thị trường này và gây bất lợi cho BMW, qua đó khiến lượng xuất khẩu giảm mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và việc làm tại Mỹ.
BMW không phải là hãng chế tạo ô tô duy nhất công khai lên tiếng về các mức thuế đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Ngày 29/6, hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ General Motors (GM) cũng cảnh báo hãng này có thể buộc phải cắt giảm lao động và tăng giá sản phẩm nếu chính sách thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo nên một cuộc chiến tranh thương mại thực sự. GM cảnh báo đề xuất áp thuế 25% đối với xe nhập khẩu của ông Trump có thể “thu nhỏ” hãng, khi làm giảm sự hiện diện của GM tại cả “quê nhà” lẫn thị trường nước ngoài. GM đang điều hành 47 cơ sở chế tạo và tuyển dụng 110.000 lao động tại Mỹ. Hãng này cũng chi 10 tỷ USD mua linh kiện từ các nhà cung ứng Mỹ mỗi năm. GM còn đầu tư hơn 22 tỷ USD cho hoạt động chế tạo của Mỹ từ năm 2009.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô toàn cầu (AGA), đại diện cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn như Toyota Motor Corp, Volkswagen AG, BMW AG và Hyundai Motor Co, mức thuế trên sẽ làm mất hàng trăm nghìn việc làm trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ, làm tăng mạnh giá xe ô tô và tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư.
Trong khi đó ngày 2/7 Phòng Thương mại Mỹ bắt đầu phát động chiến dịch phản đối các chính sách thuế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, với việc một số đối tác thương mại lớn đang áp đặt các biện pháp trả đũa, cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế không chỉ làm đảo lộn các thị trường tài chính mà còn làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Nhà Trắng với Phòng Thương mại. Chiến dịch mới, được coi là nỗ lực mạnh mẽ của tập đoàn vận động hành lang thương mại để phản đối chính sách thuế của chính quyền Donald Trump. Phòng Thương mại Mỹ thậm chí còn cho rằng ông Trump đang châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu, có thể tác động đến chính "túi tiền" của người tiêu dùng Mỹ.
Với 3 triệu thành viên, Phòng Thương mại Mỹ, từng có mối quan hệ gần gũi với nhiều đời tổng thống thuộc phe Cộng hòa ở Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại gia tăng liên quan đến việc Mỹ áp thuế cao đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của một số nước đồng minh đã tạo ra sự rạn nứt lớn giữa Tổng thống Trump với hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ này.