2014 - năm bầu cử nhiều thách thức với Mỹ

Chia tay năm 2013 đầy tranh cãi trên chính trường, nước Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2014 với triển vọng không mấy sáng sủa hơn, khi mà cả hai chính đảng lớn là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ chiến đấu không khoan nhượng để giành lợi thế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.


Kỳ vọng vào sự đột phá


Trong cuộc họp báo cuối năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an người dân với đánh giá lạc quan rằng năm 2014 sẽ là một “năm đột phá” cho nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai.

 

Tổng thống Obama đánh giá năm 2014 sẽ là một “năm đột phá”. AFP/TTXVN


Ông chủ Nhà Trắng có lý do để lạc quan và hy vọng bởi lẽ đến cuối năm 2013, đà phục hồi kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan. Đà phục hồi mạnh khiến Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) quyết định cắt giảm gói cứu trợ thứ ba (QE3) từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD bắt đầu từ tháng 1/2014. FED dự báo tốc độ tăng GDP của Mỹ năm 2014 đạt 3,2%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống còn khoảng 6,3% so với 7% trong tháng 11/2013.


Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng mới đây đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi lưỡng viện Quốc hội đồng ý thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách, không phải cho một năm mà là hai tài khóa liên tiếp 2014 và 2015. Tổng thống Obama hy vọng rằng thỏa thuận lưỡng đảng về ngân sách mới rồi sẽ giúp cho năm 2014 bớt đi những tranh cãi.


Tuy nhiên, vẫn còn mối lo đối với người dân Mỹ là khoản nợ quốc gia khổng lồ đã vượt ngưỡng 17.400 tỷ USD, tăng xấp xỉ 70% so với thời điểm ông Obama mới lên cầm quyền năm 2009. Do đó, cuộc tranh cãi xung quanh quyền vay nợ, hết hạn vào giữa tháng 3/2014, được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt.


Thái độ hòa hoãn khi kết thúc năm 2013 giữa các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa trong việc thông qua Dự luật chi tiêu ngân sách năm 2014 và 2015 sẽ không kéo dài khi cả hai đảng chuẩn bị bước vào một cuộc chiến mới về trần nợ công. Tổng thống Obama và đảng Dân chủ vẫn giữ lập trường không nhượng bộ về vấn đề này, trong khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner (thuộc đảng Cộng hòa) dường như khó chấp nhập việc nâng trần nợ công mà không có điều kiện nào được đánh đổi.


Lo lắng lấn át kỳ vọng


Những lo lắng về cuộc chiến tranh giành quyền lực tiếp diễn trong năm 2014 khiến giới quan sát tỏ ra thận trọng hơn. Họ có cơ sở để lo ngại khi mà chương trình nghị sự các vấn đề đối nội lớn của Nhà Trắng như cắt giảm thâm hụt ngân sách, cải cách hệ thống thuế, kiểm soát súng đạn, cải tổ đạo luật nhập cư... chưa có dấu hiệu chuyển động tích cực nào. Việc thực thi Chương trình cải cách chế độ bảo hiểm và chăm sóc y tế, thường gọi là ObamaCare, cũng tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi, có thể gây thiệt hại chính trị cho đảng Dân chủ ở Quốc hội nếu còn tiếp tục kéo dài đến gần ngày bầu cử. Ngoài ra, căng thẳng đảng phái kéo dài giữa đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa nắm quyền đa số tại Hạ viện trong năm 2013 đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là ngân sách tài khóa 2014 tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD, gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế của Mỹ.


Cuộc đấu đá quyền lực không khoan nhượng đã dẫn tới hệ lụy là Quốc hội khóa 113 hiện nay của Mỹ bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử, khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ các nghị sỹ Dân chủ lẫn Cộng hòa giảm xuống rất thấp. Tỷ lệ người dân bất bình với Tổng thống Obama đã tăng lên 55% so với 43% ủng hộ, sự ủng hộ thấp chưa từng thấy mà người dân Mỹ dành cho một tổng thống sau 5 năm cầm quyền, tệ hơn cả mức ủng hộ 47% dành cho Tổng thống George W. Bush trong nhiệm kỳ hai đầy thảm họa. Các nhà phân tích chính trị cho rằng triển vọng năm 2014 không sáng sủa gì hơn, và nhiều khả năng sẽ xảy ra các trận chiến bất phân thắng bại trên hàng loạt các vấn đề tồn đọng của năm 2013.


Năm 2014 là năm bầu cử quốc hội ở Mỹ và có thể đem lại một mức độ rủi ro cho Tổng thống Obama. Cuộc bầu cử giữa kỳ thường không mang lại kết quả thuận lợi cho đương kim tổng thống nhất là sau khi ông vừa trải qua một năm đầy khó khăn. Ðảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Dân chủ chiếm thế đa số tại Thượng viện. Kịch bản phổ biến nhất sau năm bầu cử giữa kỳ là một chính quyền chia rẽ, với một đảng điều hành Nhà Trắng và một đảng kiểm soát Quốc hội.


Trên mặt trận đối ngoại, thách thức ngoại giao của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2014. Kết quả khảo sát mới đây của Hội đồng quan hệ ngoại giao Mỹ đối với 1.200 quan chức chính phủ, các học giả và các chuyên gia cho thấy cuộc nội chiến Syria, bạo lực ở Afghanistan, bất ổn ở Triều Tiên và cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân của Iran là những thách thức và ưu tiên an ninh hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong 12 tháng tới.


Tóm lại năm 2014, nước Mỹ sẽ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Kết quả các cuộc bầu cử cuối năm sẽ quyết định liệu ông Obama có cơ hội thực thi nghị trình của ông trong hai năm cuối nhiệm kỳ hay không. Người dân Mỹ trông chờ năm 2014 sẽ có tương lai sáng sủa hơn, nhất là trong vấn đề kinh tế. Nhưng chính trường Mỹ xem ra vẫn còn nhiều giông tố với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà đảng Cộng hòa đang tìm cách kiểm soát cả hai viện Quốc hội để thao túng chính trường và tạo đà cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016.


Nguyệt Ánh

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN