Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ bình luận với kênh RT (Nga) ngày 11/2 rằng, khi châu Âu đang đứng trước bờ vực chiến tranh vì Ukraine, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhận thấy mình bị “mắc kẹt vào một cơn ác mộng chính sách mà không có giải pháp sẵn sàng”.
Chỉ hơn một tuần trước, Chính quyền Mỹ phải đối mặt với một vấn đề an ninh quốc gia trong khu vực - cuộc khủng hoảng với Nga về Ukraine - nơi tình huống xấu nhất có thể là một cuộc tấn công và Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh toàn cầu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. Hậu quả của một hành động như vậy là tổn thất kinh tế đối với châu Âu và Mỹ, cũng những rạn nứt có thể xảy ra đối với sự thống nhất EU/NATO.
Hiện nay, Mỹ đang đối mặt với một thách thức hoàn toàn khác. Nga và Trung Quốc đã đoàn kết trong một mối quan hệ mới, thúc đẩy một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” mới, thách thức “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây. Sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân mà “không có người chiến thắng”, nếu Ukraine gia nhập NATO.
Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trở nên nghiêm trọng, và do đó Chính quyền Biden giờ đây phải bắt đầu cân nhắc các lựa chọn nghiêm túc để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Lựa chọn một: Chiến tranh
Nói một cách đơn giản, chiến tranh không phải là một phương án mà Washington sẵn sàng lựa chọn. Đầu tiên và quan trọng nhất, ngay cả khi Mỹ coi Ukraine là một thành viên NATO, Liên minh này cũng sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên tiến hành chiến tranh, điều này tương đương với hành động tự sát tập thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang ra trong vài tuần qua, với việc Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới Belarus (Moskva cho biết binh sĩ sẽ rời khỏi Belarus sau khi kết thúc các cuộc tập trận chung 'Giải pháp Liên minh 2022' sau đó trong tháng này), và việc Mỹ và NATO triển khai hàng nghìn binh sĩ ở Đông Âu, nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ nhỏ là rất cao, có thể bùng phát một cuộc xung đột lớn hơn.
Với Ukraine, nơi Ba Lan và Anh, cả hai là thành viên NATO, đã nói về một thỏa thuận an ninh ba bên với Kiev bên ngoài khuôn khổ của Liên minh trên. Việc một số nước phương Tây đổ hàng trăm triệu USD cùng các chuyên gia huấn luyện quân sự được gửi đến Ukraine đang khiến Kiev có cảm giác an toàn sai lầm. Nếu Ukraine tin rằng họ có sự hậu thuẫn trực tiếp của Ba Lan và Anh, và sự hỗ trợ gián tiếp từ phần còn lại của NATO và châu Âu, thì không thể loại trừ hoàn toàn rằng Kiev có thể bắt đầu một chiến dịch quân sự nhằm và khu vực Donbass. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản tương tự như cuộc chiến Gruzia năm 2008.
Lựa chọn thứ hai: Thỏa hiệp
Nga đã đưa ra các yêu cầu của mình liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện tại khá rõ ràng, thể hiện chúng trong dự thảo hiệp ước được gửi cho Mỹ và NATO. Nói tóm lại, Nga không chỉ yêu cầu chấm dứt mở rộng NATO mà còn yêu cầu rút các lượng lượng NATO đã triển khai về mức trước năm 1997. Đến nay, Mỹ và NATO đã bác bỏ các yêu cầu của Nga, gây ra thế đối đầu hiện nay.
Cả Mỹ và NATO đều không thể từ bỏ quan điểm của mình về “chính sách mở cửa” của Liên minh quân sự liên quan đến tư cách thành viên là không thể thương lượng. Tuy nhiên, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moskva cho thấy, NATO vẫn muốn tìm kiếm một giải pháp vừa giữ được chính sách mở cửa trong khi loại trừ việc xem xét tư cách thành viên Ukraine. Ông Macron đã ám chỉ đến khả năng “Phần Lan hóa” Ukraine, theo đó Ukraine sẽ áp dụng chính sách trung lập như Phần Lan.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa đồng ý về một thỏa thuận như vậy (điều có thể dẫn đến việc kết thúc sự nghiệp chính trị của Tổng thống Ukraine Zelensky) và thực tế là Ukraine không thể quyết định về vấn đề này. Nếu Mỹ và châu Âu muốn tránh nguy cơ của một cuộc xung đột quân sự tốn kém (và có thể gây thương vong) với Nga, thì khả năng Ukraine trở thành thành viên của NATO phải được loại trừ vĩnh viễn.
Lựa chọn 3: Duy trì Nguyên trạng
“Không làm gì đôi khi được coi là lựa chọn hợp lý nhất, và do đó hấp dẫn nhất”. Từ quan điểm của Chính quyền Biden, điều này đã đẩy Nga vào một tình huống khó khăn: Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không phải Tổng thống Mỹ Joe Biden, có trách nhiệm phải tìm kiếm sự thỏa hiệp. Tình huống này có nghĩa là Nga đang ở thế phòng thủ.
Tuy nhiên, giữ nguyên hiện trạng đang không có lợi cho chính quyền Biden. Thay vì bị phong tỏa, Nga dường như có nhiều không gian để hành động, như đã được chỉ ra qua chuyến thăm của ông Macron tới Moskva. Định dạng Normandy vẫn đang hoạt động và mối quan hệ ngày càng phát triển của Nga với Trung Quốc đang hạn chế các tính toán về khả năng bị tổn thương của Nga trước các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Trong bối cảnh Mỹ sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng, việc duy trì hiện trạng cho phép ông Biden thể hiện sự mạnh mẽ khi đối mặt với sự quyết đoán của Nga và sử dụng sức mạnh này để khôi phục lại NATO vốn đang hoài nghi về vấn đề rút quân khỏi Afghanistan. Theo quan điểm của Nhà Trắng, duy trì hiện trạng cho phép biến Nga ngày càng trở nên thù địch hơn trong mắt người dân Mỹ. Ông Biden có thể lợi dụng vấn đề này trước khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế địa chính trị luôn thay đổi. Ông Biden càng tìm cách “đóng băng” cuộc khủng hoảng với Nga ở mức có thể kiểm soát được, thì Ukraine sẽ càng muốn gây chiến với Nga. Tương tự như vậy, với việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine, bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây sẽ khiến cho chính sách đối phó của Nga và Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Từ quan điểm này, duy trì hiện trạng có lẽ không phải là một giải pháp khả thi, vì nó chắc chắn sẽ đẩy Mỹ quay trở lại với chiến tranh hoặc thất bại địa chính trị. Thật không may, đó là lựa chọ có khả năng xảy ra nhất, dựa trên thực tế chính trị trong nước Mỹ mà ông Biden đang đối mặt. Để một lựa chọn thực dụng hơn, ví như cam kết về sự trung lập của Ukraine, có thể khả thi, nó sẽ đòi hỏi sự quyết tâm lớn của cả châu Âu và Nga.