Nhà lãnh đạo Mỹ đang đối mặt với cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện với cáo buộc ông đã gây áp lực yêu cầu Chính phủ Ukraine tiến hành cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông này tại Ukraine hòng giành lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Đáp lại tuyên bố của Hạ viện Mỹ, ông Trump sau đó còn tiếp tục kêu gọi Trung Quốc mở cuộc điều tra tương tự nhằm vào cha con ông Biden. Tuy nhiên, lời kêu gọi này lại là điều ít lo lắng nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vấn đề gây lo ngại lớn hơn với Bắc Kinh là khả năng Tổng thống Mỹ sẽ bị quốc hội luận tội, khi ông đối mặt với những nguy cơ pháp lý ngày một tăng, trong khi các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại trên khắp châu Á thì đang bị tổn hại đáng kể bởi cuộc thương chiến giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Có thể lấy Singapore làm bằng chứng, nền kinh tế mở của nước này thường hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Singapore đã giảm 9,8% trong tháng 8 vừa qua, và là lần giảm thứ sáu liên tiếp, sau khi đã giảm 11% trong tháng 7.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với suy thoái kinh tế khi đòn thuế của Mỹ đánh vào nhu cầu của Trung Quốc và làm đảo lộn các chuỗi cung cấp. Các ngân hàng trung ương từ Ấn Độ đến Indonesia, hay Australia đều đang chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất để bù đắp cho những "cơn gió nghịch" thương mại.
Nguy cơ pháp lý của nhà lãnh đạo Mỹ đã tăng mạnh khi xuất hiện thêm bằng chứng cáo buộc ông gây áp lực với Ukraine nhằm điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và đe dọa ngừng viện trợ cho nước này. Thậm chí còn xuất hiện cáo buộc ông Trump cũng có những động thái tương tự với Australia và Anh, hòng gây bất lợi cho đối thủ chính trị tiềm tàng.
Điều này dấy lên nhiều lo ngại đối với các nền kinh tế và các thị trường châu Á. Dưới đây là 8 viễn cảnh có thể xảy ra, theo dự báo của tờ Nikkei Asian Games:
Thứ nhất: Những đòn thuế mới nhằm vào Trung Quốc. Tổng thống Trump sẽ dùng đến bất cứ sắc lệnh nào có thể để thay đổi vòng xoáy thông tin đang nhắm vào ông và trấn an phe ủng hộ mình, nhằm giảm thiểu việc phải thông qua cơ quan lập pháp. Hành động dễ thực hiện nhất là tăng thuế đánh lên 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Hiện tại, mức thuế dao động từ 10%-25%, chỉ cần đe dọa tăng thuế lên 30% hoặc cao hơn sẽ khiến các thị trường sụp đổ.
Thứ hai: Những ý tưởng sáng tạo một cách đáng báo động nhằm kiểm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Ông Trump đã đề xuất cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc và rút tên những doanh nghiệp tại Trung Quốc đại lục đang giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ. Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc có thể chỉ là bước đi đầu trong cuộc tấn công của Mỹ vào các doanh nghiệp châu Á.
Thứ ba: Đánh thuế 25% lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Ông Trump cho rằng thỏa thuận thương mại với Nhật Bản đã bị nhấn chìm bởi vụ điều tra luận tội. Tại Mỹ, việc đánh thuế vào xe hơi có thể cổ vũ những người ủng hộ ông Trump, nhưng nó cũng sẽ tàn phá một động lực sản xuất của châu Á.
Thứ tư: Mở rộng cuộc chiến thương mại sang các đối tác khác. Tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch đánh thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hóa từ châu Âu, bắt đầu từ 18/10. Động thái này liên quan đến những khoản trợ cấp của EU cho tập đoàn Airbus (đối thủ của Boeing - Mỹ), nhưng cũng không thể loại trừ các bước tiếp theo. Ông Trump có thể đe dọa một cuộc xung đột thương mại lớn hơn để giúp Thủ tướng Anh Boris Johnson, người bạn thân thiết của ông, có được đòn bẩy trong những cuộc đàm phán Brexit.
Thứ năm, đồng đô la Mỹ mất giá. Nhà lãnh đạo Mỹ có thể tuyệt vọng lo sợ một cuộc suy thoái sẽ gây bất ổn định chiến dịch tái tranh cử của ông. Những thông tin xấu về sản xuất và dịch vụ của Mỹ vào tháng 9 vừa qua đã khiến đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tuần vào tuần trước. Tổng thống Mỹ có thể làm tốt những mối đe dọa dẫn đến làm suy yếu tỷ giá hối đoái với USD. Một đồng đô-la Mỹ yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến những nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu ở châu Á.
Thứ sáu: Sa thải Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED - hay Ngân hàng trung ương Mỹ) Jerome Powell. Ông Trump chỉ trích FED dưới bàn tay ông Powell hoạt động “điên rồ” và là “một vấn đề lớn hơn cả Trung Quốc”. Nhà Trắng đang nung nấu một trát đòi hầu tòa tại Quốc hội để lấy lý do loại bỏ ông Powell.
Việc thay thế một nhà hoạch định chính sách giám sát loại tiền dự trữ quan trọng nhất thế giới sẽ khiến thị trường ở khắp mọi nơi bị đe dọa, và đe dọa cả giá trị của 2,2 nghìn tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ do Nhật Bản và Trung Quốc nắm giữ.
Thứ bảy: Phiêu lưu quân sự. "Đỉnh điểm" trong 33 tháng cầm quyền của Tổng thống Trump là vào tháng 4/2017 khi ông ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria. Khi bị bao vây và tìm cách hồi phục uy tín lên mức cao đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể coi một hành động quân sự khác là cơ hội, và lần này mục tiêu có thể là Iran. Một cuộc xung đột quân sự nổ ra sẽ ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, chứ không chỉ châu Á.
Thứ tám: Rút khỏi các thể chế toàn cầu. Tổng thống Trump đã mở rộng “căn cứ” ủng hộ mình bằng cách rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân Iran. Người ta không thể loại trừ ông sẽ đưa Mỹ rời khỏi Tổ chức Thương mại thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thậm chí Liên hợp quốc hoặc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7). Ông cũng có thể từ bỏ hỗ trợ Ngân hàng Phát triển châu Á.