Các nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đặt mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 nhằm tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực. Theo nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế", AEC có thể giúp thúc đẩy sự cạnh tranh và xóa bỏ rào cản trong ngành công nghiệp xe hơi của khu vực, nhưng dần dần cũng sẽ tạo ra những tác động nhất định.
Thái Lan xuất khẩu nhiều xe hơi hơn so với các nước ASEAN khác cộng lại. |
Với 10 nước thành viên (Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Campuchia và Brunei), ASEAN có tổng dân số hơn 600 triệu người. Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ sở hữu xe hơi ở các nước ASEAN sẽ tăng mạnh. Do vậy, thị trường xe hơi của ASEAN được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ đóng vai trò là trung tâm sản xuất của các nhà chế tạo xe hơi lớn nhất thế giới đến từ châu Á cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đây là thị trường có quy mô khá lớn, tăng trưởng nhanh và nằm giữa hai thị trường xe hơi tăng trưởng nhanh nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Vị trí địa lý và tự do hóa thương mại tạo ra một thị trường chung thống nhất giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn, không chỉ đối với các nhà chế tạo xe hơi mà còn cả các công ty sản xuất xe máy.
Xây dựng AEC nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, ít bảo hộ hơn và khuyến khích sự cạnh tranh. Tuy nhiên, đây chỉ là một bước đi trong một quá trình lâu dài. Hiện vẫn chưa rõ các lợi ích bất di bất dịch, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và sự thiếu hài hòa giữa các thể chế và quy định sẽ tác động thế nào tới tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở khu vực. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của các nước thành viên. Tuy nhiên, ngay cả khi các hàng rào phi thuế quan được loại bỏ, các nước nghèo hơn trong khu vực sẽ phải mất nhiều thập kỷ mới có thể xây dựng được các cơ sở chế tạo đủ sức cạnh tranh với những nước sản xuất xe hơi lớn nhất trong khu vực hiện nay là Indonesia và Thái Lan.
Indonesia và Thái Lan hiện chiếm tới hơn 4/5 sản lượng xe hơi của ASEAN. Những năm gần đây, nền kinh tế Indonesia tăng trưởng khá nhanh và thị trường xe hơi trong nước có tiềm năng rất lớn. Indonesia được dự báo sẽ trở thành nước sản xuất và tiêu thụ xe hơi lớn nhất trong khu vực. Trong khi đó, mặc dù thị trường trong nước kém năng động hơn Indonesia, nhưng Thái Lan lại xuất khẩu nhiều xe hơi hơn so với các nước ASEAN khác cộng lại (năm 2013, Thái Lan xuất khẩu 2,5 triệu xe). Những vấn đề chính mà ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan đang phải đối mặt là lương công nhân ngày càng tăng trong khi vẫn thiếu lao động lành nghề. AEC ra đời sẽ giúp Thái Lan xóa bỏ những hạn chế này vì một trong những mục tiêu của AEC là khuyến khích người lao động có tay nghề sang làm việc tại các nước khác trong khu vực. Thái Lan có thể duy trì được vị thế là trung tâm sản xuất được ưa thích của các nhà chế tạo xe hơi Nhật Bản sau khi đứng trên Indonesia trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thái Lan cũng là nước có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, với khoảng 80% phụ tùng được sản xuất ở trong nước.
AEC sẽ giúp các nhà chế tạo xe hơi ở Đông Nam Á hiện thực hóa cái gọi là chiến lược "Thái Lan+1". Ý tưởng này là nhằm phục vụ thị trường thông qua một "nhà máy mẹ" ở Thái Lan và một nhà máy phụ ở Campuchia, Lào, Việt Nam hay Myanmar. Chiến lược này cho phép các nhà chế tạo hoạt động ở đất nước phát triển nhất Đông Nam Á (với đủ nguồn cung năng lượng, lao động có tay nghề và cơ sở công nghiệp phát triển), trong khi từng bước cải thiện năng lực sản xuất ở các nước láng giềng có nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh.
Huy Hiệp