Ai đứng sau vụ rò rỉ thông tin từ WikiLeaks?

Theo "Thời báo châu Á trực tuyến", Iran đổ lỗi cho Ixraen là thủ phạm đứng sau vụ tiết lộ các điện tín ngoại giao của Mỹ trên WikiLeaks. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phỏng đoán tương tự.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán trực tiếp về vấn đề hòa bình ở Trung Đông đã được chính thức tuyên bố là sụp đổ, vụ rò rỉ này chắc chắn tác động tới quan hệ Ixraen-Mỹ. Khi các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ thông báo đêm 7/12 rằng Oasinhtơn "đã đi đến quyết định là vào thời điểm hiện nay việc gia hạn lệnh ngừng xây dựng các khu định cư không phải là cơ sở tốt nhất để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp (Ixraen-Palextin)", nhiều nhà quan sát đã suy luận rằng đó là một chiến thắng (của Thủ tướng Ixraen) trước Tổng thống Mỹ Barack Obama - người đang "đau đầu" bởi những ảnh hưởng xấu của vụ rò rỉ điện tín đối với nền ngoại giao Mỹ. Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak còn chỉ ra mối liên hệ giữa hai sự việc này khi trả lời phỏng vấn tờ "Ha'aretz" của Ixraen.


Julian Assange cầm tờ The Guardian đưa tin rò rỉ tài liệu mật chiến trường Afghanistan trên Wikileaks tại buổi họp báo ở London ngày 26-7. Ảnh internet


Các bức điện tín trên WikiLeaks đã củng cố một số lập luận chính của Ixraen về Iran, đó là việc các nhà lãnh đạo Arập coi cuộc khủng hoảng Iran là quan trọng hơn nhiều đối với tiến trình hòa bình, và với tư cách cá nhân họ còn hối thúc mạnh mẽ Mỹ can thiệp quân sự vào Iran. Đây là một "sự muối mặt" không chỉ đối với nguyên thủ quốc gia một số nước Arập mà cả đối với chính quyền Obama. Bởi lẽ các quan chức Mỹ lâu nay vẫn "rêu rao" rằng cuộc xung đột Ixraen-Palextin là trở ngại chính trong chính sách đối ngoại của họ, và rằng việc thúc đẩy tiến trình hòa bình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giải quyết cuộc tranh cãi với Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước trong suốt 2 năm qua đã quay sang chỉ trích gay gắt Ixraen, cũng bị bẽ mặt. WikiLeaks đã tiết lộ những rạn nứt trầm trọng giữa một bên là Ancara và bên kia là Oasinhtơn và Giêruxalem.

Đó là tất cả những lý do làm dấy lên cáo buộc cho rằng Ixraen đã cung cấp tài liệu cho WikiLeaks. Ngoài ra còn có một số bằng chứng khác củng cố nghi ngờ này, ví dụ như người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đã nói tốt về Netanyahu trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí "Time".

Trong khi đó, mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 13/12 đã đăng bài viết của nhà kinh tế Michel Chossudovsky, Giáo sư Trường Đại học Ốttaoa, lại đưa ra một suy luận hoàn toàn trái ngược về việc ai thực sự đứng đằng sau vụ WikiLeaks. Theo Giáo sư Chossudovsky, các bức điện mật ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ gần đây đã được các tờ báo có uy tín như "Thời báo New York" (Mỹ), "Người Bảo vệ" (Anh), "Tấm gương" (Đức) "biên tập" cẩn thận.


Đây là một phần của thỏa thuận giữa một số tờ báo lớn của Mỹ và châu Âu với "ông chủ" WikilLeaks, Julian Assange. Câu hỏi quan trọng là ai đang kiểm soát và giám sát việc lựa chọn, phân phối và biên tập những tài liệu được tiết lộ cho công chúng?

Những tiết lộ trên WikiLeaks đã được sử dụng để bào chữa cho một số chương trình đối ngoại của Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ và chống lại Iran. Chúng cũng đang được sử dụng để tạo sự chia rẽ giữa Iran với Arập Xêút và các nước Arập khác trong vùng Vịnh. Sau khi WikiLeaks tiết lộ rằng một số nước Arập quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran và đã thúc giục Mỹ có hành động quân sự để kiềm chế Têhêran, Ngoại trưởng Clinton đã chớp lấy cơ hội này và nói rằng các bức điện bị tiết lộ cho thấy cộng đồng quốc tế có cùng chung quan ngại với Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran và rằng Iran tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

Mối quan hệ giữa CIA với giới truyền thông Mỹ đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu. Tờ "Thời báo New York" có mối quan hệ gần gũi không chỉ với tình báo Mỹ, mà cả với Lầu Năm Góc và gần đây là Bộ An ninh Nội địa.


Những thông tin nhằm đánh lạc hướng đối phương được đưa ra trên các phương tiện truyền thông. Giới truyền thông Mỹ đang trở thành cơ quan phát ngôn chính sách đối ngoại của Mỹ và trở thành công cụ trong cuộc chiến tuyên truyền của nước này. Điều đó giải thích lý do tại sao tờ "Thời báo New York " đột nhiên muốn "tăng cường" tính minh bạch và sự thật trên các phương tiện truyền thông bằng việc hỗ trợ WikiLeaks. Bề ngoài, không có gì chứng minh rằng WikiLeaks là một chiến dịch bí mật của CIA. Tuy nhiên, dựa trên mối quan hệ gắn kết của giới truyền thông với tình báo Mỹ, đây là một câu hỏi còn để ngỏ.

TTK

Tin tặc phát động chiến tranh mạng để ủng hộ WikiLeaks
Tin tặc phát động chiến tranh mạng để ủng hộ WikiLeaks

Một cuộc "chiến tranh mạng" đã được các nhóm tin tặc trên thế giới phát động nhằm vào trang mạng của các hãng thanh toán trực tuyến như PayPal, Visa, MasterCard, hay của các cá nhân và tổ chức có quan điểm chống trang mạng WikiLeaks.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN