Phiên tòa đầu tiên xét xử ông Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks, chiều 7/12 đã diễn ra tại Luân Đôn (Anh). Tòa án Westminster đã bác đề nghị bảo lãnh và tuyên bố tạm giữ ông Assange cho tới phiên xét xử kế tiếp vào ngày 14/12.
Phóng viên TTXVN tại Anh cho biết trong phiên xét xử, bà Gemma Lindfield, đại diện cho nhà chức trách Thụy Điển, cho biết ông Assange bị truy nã với bốn cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục. Tuy nhiên, ông Assange và các luật sư cho rằng những cáo buộc trên bắt nguồn từ một "vụ xung đột về chuyện quan hệ tình dục có sự đồng thuận nhưng không dùng các biện pháp bảo vệ", đồng thời khẳng định rằng vụ việc đã bị "chính trị hóa".
Người sáng lập WikiLeaks đã đề xuất được bảo lãnh tại ngoại với sự hỗ trợ về tài chính từ đạo diễn phim Ken Loach, nhà hoạt động xã hội Jemima Khan và nhà báo John Pilger cùng một số người khác. Tuy nhiên, tòa án đã bác đề nghị này và quyết định mở phiên tòa kế tiếp vào ngày 14/12 tới để kết luận việc có dẫn độ người sáng lập WikiLeaks sang Thụy Điển hay không. Ông Assange và các luật sư tuyên bố sẽ đấu tranh tới cùng để không bị dẫn độ sang Thụy Điển do lo ngại có thể bị dẫn độ sang Mỹ.
Xe chở người sáng lập WikiLeaks tới tòa án ở Westminster ngày 7/12 trước vòng vây của báo giới. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong khi đó, Ôxtrâylia cho biết sẽ hỗ trợ lãnh sự đối với Julian Assange hiện đang bị giam giữ tại Anh. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài ABC News, Ngoại trưởng Ôxtrâylia Kevin Rudd nói: "Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ lãnh sự phù hợp nhất cho ông Assange, điều này cũng giống như những việc chúng tôi cần làm đối với tất cả những công dân Ôxtrâylia khác".
Trong một diễn biến liên quan, tiếp sau Mastercard, nhà điều hành thanh toán thẻ Visa cũng đã quyết định ngừng cung cấp dịch vụ trên trang WikiLeaks. Visa Europe cho biết hãng này đã ngừng hoạt động thanh toán thẻ Visa trên trang WikiLeaks trước những điều tra về bản chất kinh doanh của trang web này và việc liệu WikiLeaks có vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Visa hay không. Trước đó, hãng Mastercard cũng đã quyết định dừng tất cả các khoản thanh toán từ thẻ Mastercard trên trang WikiLeaks.
Trong khi đó, WikiLeaks tiếp tục cho tiết lộ nội dung các bức điện tín ngoại giao của Mỹ, trong đó đáng chú ý là thông tin về việc chính phủ Anh đã lo sợ Libi sẽ có hành động cứng rắn chống lại Luân Đôn nếu Abdelbaset al-Megrahi, kẻ đánh bom một máy bay Mỹ tại Lockerbie (Xcốtlen) năm 1988, bị chết trong tù. Một bức điện tín ngoại giao khác cho biết quân đội Arập Xêút đã sử dụng "lực lượng không cân xứng một cách ồ ạt" trong một chiến dịch hồi năm ngoái để chống lại các nhóm du kích được quân đội cho là "trở ngại lâu dài".
Lê Dương - Lê Hải (P/v TTXVN tại Luân Đôn)