Ngày 4/10, quân đội Nga đã phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Kênh RT cho biết tên lửa Zircon đã phóng thẳng vào một mục tiêu ở Biển Barents. Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho đăng video về vụ thử thành công tên lửa này.
Tiếp đó, báo Financial Times ngày 16/10 đưa tin Trung Quốc đã phóng thử nghiệm một tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay vòng quanh Trái Đất rồi tăng tốc nhắm đến mục tiêu. Tờ báo dẫn lời một số nhân vật trong ngành tình báo cho hay vụ thử diễn ra hồi tháng 8. Thiết bị lượn siêu vượt âm mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh.
Ba người được báo cáo kết quả thử nghiệm cho biết tên lửa này đã bay trượt mục tiêu khoảng 3km, song vụ thử cho thấy Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm so với những gì giới chức Mỹ tính toán.
Theo Reuters, ngày 21/10, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đã thử một vũ khí siêu vượt âm tại một trung tâm vũ trụ Thái Bình Dương ở Kodiak, bang Alaska, song không thành công. Vụ thử thất bại do lỗi kỹ thuật của động cơ đẩy, khiến tên lửa không thể bay lên.
Trong một tuyên bố, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Timothy Gorman cho hay các chuyên gia đang phân tích để làm rõ nguyên nhân động cơ đẩy gặp lỗi kỹ thuật để có thể cải tiến trong các vụ thử tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh tên lửa đẩy này chỉ được sử dụng trong các vụ thử. Ông Gorman khẳng định: “Phát triển các vũ khí siêu vượt âm, với tốc độ bay nhanh gấp ít nhất 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5) vẫn là một ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Bộ Quốc phòng tin tưởng chương trình này đang đi đúng hướng để có năng lực tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm”.
Đầu năm nay, Không quân Mỹ cũng hai lần thử thất bại tên lửa siêu vượt âm AGM-183A. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thử nghiệm thất bại vũ khí, thiết bị quân sự tại giai đoạn phát triển là một phần bình thường của quy trình. Trên thực tế, quân đội Mỹ cũng đã có ít nhất 3 vụ thử vũ khí siêu vượt âm thành công.
Sau vụ phóng tên lửa AGM-183A thất bại đầu tiên ở Thái Bình Dương, một số tờ báo đã nhanh chóng kết luận rằng Mỹ một lần nữa đã không thể gia nhập câu lạc bộ quốc gia có vũ khí siêu vượt âm như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, từng làm việc tại Ban tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga, các nhà quan sát này đã đưa ra đánh giá vội vàng. Theo ông, các cuộc thử vũ khí siêu vượt âm được coi là bí mật nhà nước và thông tin quân sự mật ở cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Hiện chưa có dữ liệu gì về vụ thử do phía Trung Quốc đưa ra. Mỹ cởi mở hơn trong vấn đề này nhưng vẫn coi đây là thông tin mật. Dư luận không có cách gì biết chính xác kết quả các vụ thử vũ khí siêu vượt âm. Do đó, khi các nhà báo viết Mỹ lại thất bại lần nữa, đó không phải là một đánh giá chính xác.
Trong quá khứ, vụ phóng thử tên lửa chống tên lửa đạn đạo (ABM) V-100 của Liên Xô thành công lần đầu tiên ngày 4/3/1961 khi chặn được một tên lửa đạn đạo R-12. Đây là giây phút thành công của vũ khí Liên Xô. Tuy nhiên, trước đó, Liên Xô đã thất bại tới 11 lần. Các vụ thử vũ khí tên lửa phòng không diễn ra cả trăm lần và không phải lần nào cũng thành công.
Hiện tại, dư luận chưa biết chính xác chuyện gì xảy ra với vụ thử mới nhất của Mỹ và cũng không thể tiếp cận thông tin đó. Nhìn chung, dư luận không biết nhiều về công nghệ đằng sau tên lửa của Mỹ. Chi tiết và thông số kỹ thuật chưa bao giờ được công bố.
Về phần tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc, hoàn toàn không có thông tin nào được xác minh. Trung Quốc bác bỏ các thông tin trên báo chí nói rằng nước này vừa thử tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân, nói rằng đó không phải là tên lửa mà chỉ là cuộc kiểm tra tàu vũ trụ thông thường. Tuy nhiên, khó mà giấu được gì với hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công của Mỹ và Nga. Do đó, có thể giả định một số chuyên gia có thể có thông tin cần thiết về vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc.
Video Nga thử thành công tên lửa Zicron (nguồn: RT)
Ngay sau vụ phóng thử vũ khí của Trung Quốc, các đơn vị do thám vũ trụ của Mỹ và Hệ thống Radar Cảnh báo sớm Tên lửa đạn đạo của Nga có thể đã tính toán được quỹ đạo tên lửa và quân đội hai nước có thể đã có thông tin về tầm hoạt động.
Đó là lý do tại sao Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông lo ngại về năng lực của vũ khí Trung Quốc. Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, coi vụ phóng tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc mà báo chí đưa tin là “rất đáng ngại”, có thể so với “khoảnh khắc Sputnik” – vụ Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên của thế giới năm 1957 trong cuộc chạy đua vũ trụ Mỹ-Liên Xô.
Theo ông Khodarenok, thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm là cuộc chạy đường dài, không phải là chạy nước rút. Vì thế, ai dẫn trước một chút, hay tụt lại sau một chút trong cuộc đua chưa phải là vấn đề nghiêm trọng tại thời điểm này. Điều quan trọng không phải là bản thân cuộc chạy đua, mà là ai sẽ về đích trước, tức là ai sẽ đưa vũ khí siêu vượt âm vào trực chiến và sản xuất hàng loạt loại vũ khí này.
Dù vậy, hai điều trên cũng không hẳn là chỉ dấu của thành công. Chỉ khi sử dụng thành công vũ khí lượn siêu vượt âm trong thực tế tác chiến thì quốc gia đó mới được coi là người dẫn đầu thực sự.