Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Independent
|
Việc bắt giữ hàng chục thành viên hoàng tộc và quan chức cấp cao Saudi Arabia chỉ là mở đầu cho một chuỗi các sự kiện chấn động xảy ra vào cuối tuần vừa qua, làm dấy lên lo ngại quốc gia Trung Đông này sẽ rơi vào tình trạng rối ren nhất trong suốt 50 năm.
Nhà phân tích tình báo kỳ cựu John Kiriakou nhận định trên chương trình Loud & Clear Monday của Đài phát thanh Sputnik: “Chúng ta đang có cái mà nhiều người gọi là ‘một cuộc chính biến nhẹ’ tại Saudi Arabia”. Tổng cộng đã có 11 hoàng tử và vị quan chức bị bắt giữ tại khách sạn Ritz Carlton ở thủ đô Riyadh vào cuối tuần qua, trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Liban Saad Hariri – người gốc Saudi Arabia và có hộ chiếu Saudi, đã về lại quốc gia này vào cuối tuần và tuyên bố từ chức vụ ở Liban trên sóng quốc gia Saudi TV, với lí do sợ bị phong trào Hezbollah ám sát.
Trò chuyện từ thủ đô Beirut, Jana Nakhal – một nghiên cứu viên độc lập, đồng thời là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liban cho biết “không một ai có thể lường trước điều này”, khi đề cập đến động thái từ bỏ chức vụ của cựu Thủ tướng Hariri.
Tờ báo lớn tại Liban ngày 6/11 đã đưa bài viết về Hariri lên trang nhất, với hình ảnh lớn của ông và dòng chú thích “Con tin”. Ông Nakhal giải thích: “Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra, chúng tôi cũng không biết ông ấy ở đâu, và có nhiều tin đồn cho rằng ông có thể bị bắt giữ cùng với một số hoàng tử Saudi”.
Phản ứng trước thông tin các tin đồn, trả lời phỏng vấn hãng CNN ngày 6/11, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định Riyadh "vô can" trong việc Thủ tướng Liban từ chức, nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah đã đe dọa vị chính khách này, dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Liban, đồng thời tuyên bố ông Hariri hoàn toàn có thể tự do rời khỏi Saudi Arabia bất cứ lúc nào.
Ngày 5/11, truyền thông Saudi Arabia đưa tin Hoàng tử Mansour bin Muqrin đã thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng ở gần biên giới Yemen.
Hãng thông tấn Saudi có viết: “Giới chức tìm kiếm những người sống sót khi những mảnh vỡ máy bay được tìm thấy. Hoàng tử Muqrin cùng với 7 vị quan chức khác đã thiệt mạng trong vụ tai nạn”.
Ngay sau hôm xảy ra tai nạn, Saudi còn chứng kiến thêm cái chết của một thành viên hoàng gia – Hoàng tử Abdul Aziz bin Fahd. Là con trai út của Quốc vương Fahd, Hoàng tử Aziz được cho là thiệt mạng trong một vụ đấu súng với cảnh sát khi họ đang tìm cách bắt giữ ông này. Cảnh sát xác định Hoàng tử Abdul Aziz có dính líu vào thương vụ làm ăn của công ty TNHH Saudi Oger thuộc quyền sở hữu của gia đình cựu Thủ tướng Liban Saad Hariri đã ngừng hoạt động từ hè năm nay.
Một số người cho rằng các sự kiện gần đây đơn thuần chỉ là sự rối ren, song số khác lại coi sự phát triển của chuỗi sự kiện này là một cách mà để Thái tử Mohammed bin Salman củng cố quyền lực trong khi đổ lỗi cho đối thủ Iran và nhóm khủng bố Hezbollah.
"Tôi cũng muốn nói thêm là Thái tử Salman đã mời Tổng thống Palestine tới thăm và thảo luận về các vấn đề của Palestine. Điều này cho thấy chắc chắn Thái tử đang muốn củng cố quyền lực của mình", bà Nakhal nói.
Nhà phân tích này giải thích: “Cùng lúc hãy nghĩ về việc đang xảy ra tại Syria. Cuộc chiến đang thay đổi theo chiều hướng mới. Cụ thể, chúng ta đang nói tới tình huống mà phong trào Hezbollah đang củng cố sức mạnh và giành được thêm sự ủng hộ”.
Phe nổi dậy Houthi tại Yemen đã bắn các tên lửa đạn đạo vào thủ đô Riyadh vào cuối tuần qua, tuy nhiên đã bị hệ thống phòng không nước này bắn chặn. Trong một động thái đáp trả, liên minh Saudi đã phóng 29 quả tên lửa nhằm vào Sana vào tối 5/11.
“Hành động khiêu khích chống lại Riyadh chứng minh có sự tham gia của một trong những quốc gia khủng bố ủng hộ phiến quân Houthi", người phát ngôn của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen tuyên bố trên truyền hình quốc gia vào 4/11. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng có lời tuyên bố gần giống chính quyền Saudi Arabia khi nói về cuộc tấn công tên lửa, song không đề cập đến “quốc gia khủng bố”, mà chỉ thẳng chính Iran tấn công Saudi.
Ngày 6/11, Tổng thống Trump lặp lại lời ủng hộ Riyadh, “tôi có niềm tin mãnh liệt vào Quốc vương Salman và Thái tử Saudi Arabia”.
Hiện không có một ai khẳng định tình hình ổn định tại Saudi Arabia: “Vương quốc đang đứng giữa ngã tư. Kinh tế đi xuống vì giá dầu thấp, tình hình ở Yemen ở thế đầm lầy, chính sách cô lập Qatar thất bại, sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran tại Liban, Syria và Iraq, và khả năng của nhân vật kế vị còn là một dấu hỏi lớn.
Bruce Reidel – Giám đốc Dự án Tình báo thuộc Viện Brookings – nhận xét: “Đây là thời kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử Saudi Arabia suốt nửa thế kỷ qua”.