Theo mạng tin "Nghiên cứu Toàn cầu" ngày 6/11, một sự thay đổi nhất định trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ đang diễn ra với sự đẩy mạnh hoạt động "ngoại giao Phật giáo". Thủ tướng Narendra Modi (thứ 2, bên trái) tham gia lễ phát động chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ" tại thủ đô New Delhi ngày 25/9. Ảnh: THX-TTXVN |
Thủ tướng Narendra Modi đang có kế hoạch quảng bá Phật giáo tới các nước trong khu vực bởi vì Ấn Độ là khởi nguồn của Phật giáo. Ông Modi đã tỏ dấu hiệu về sự đẩy mạnh quan trọng này bằng chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên là tới quốc gia Phật giáo láng giềng Bhutan và sau đó là Nepal, nơi Đức Phật ra đời. Chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Modi ngoài Nam Á là tới Nhật Bản, một quốc gia Phật giáo khác.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ cánh tại Ahmedabad, bang Gujarat, nơi ông Modi đã đón tiếp ông Tập Cận Bình và khẳng định tầm quan trọng của nhà nước trong kỷ nguyên Phật giáo.
Còn trong chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đến Bồ đề Đạo tràng để lễ. Trọng tâm của chính sách này dường như trở nên rõ ràng hơn khi ông Modi sẽ đến thủ đô Naypyitaw của Myanmar để tham dự Hội nghị Cấp cao Ấn Độ-ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á, dự kiến được tổ chức trong tuần thứ hai của tháng 12 tới.
Tiếp xúc với người dân là một trong những nền tảng của chính sách đối ngoại dưới thời Modi, biến Ấn Độ thành trung tâm của Nam Á và sau đó liên kết với Đông Nam Á. Việc hội nhập tại Nam Á có thể khó khăn do thái độ thù địch của Pakistan, nên ông Modi có thể lựa chọn việc tăng cường hợp tác với nhóm BIMSTEC (gồm Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Bhutan và Nepal), cũng như tìm cách liên kết với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên.
Nhằm vào số lượng Phật tử đông đảo ở Đông Á và Đông Nam Á, Ấn Độ đang thực hiện các kế hoạch nhằm biến nước này trở thành một nơi hành hương của Phật tử thế giới. Công việc trong giai đoạn I của dự án hình thành tour du lịch Phật giáo đang được đẩy mạnh, bao gồm Lumbini tại Nepal, nơi đức Phật ra đời, Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã giác ngộ ở gốc cây bồ đề, Sarnath tại bang Uttar Pradesh, nơi Đức Phật có bài thuyết giảng đầu tiên, Rajgir ở Bihar, nơi Đức Phật đã sống và giảng dạy, Nalanda - trung tâm học tập và giảng dạy của Phật giáo, Kushinagar tại bang Uttar Pradesh, nơi Đức Phật nhập diệt, Kapilavastu trên biên giới Ấn Độ-Nepal, nơi Đức Phật đã trải qua những năm đầu trước khi bắt đầu cuộc hành trình dài đến giác ngộ.
Bên dưới tán cây bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng (bang Bihar, Ấn Độ), nơi Đức Phật giác ngộ.
|
Hoạt động “ngoại giao Phật giáo” của Ấn Độ có thể kết nối người dân ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trung Quốc có thể quan tâm đặc biệt tới tuyến du lịch, lặp lại hành trình của các cao tăng Trung Quốc thời cổ đại như pháp sư Huyền Trang và những người khác.
Sau khi đăng cai Olympic 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đang trở nên quyết đoán trong việc khuếch trương bản sắc văn hóa cổ của mình và sẽ hướng sang Ấn Độ để tìm những quan hệ từ xa xưa, nhất là quan hệ có liên quan tới Phật giáo.
Vì thế, "ngoại giao Phật giáo" có thể là một công cụ hiệu quả cho sự can dự của Ấn Độ với Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á, Trung Quốc và thậm chí cả Nga. Sự tiếp xúc của người dân và trao đổi văn hóa có thể hỗ trợ giải quyết những vấn đề chính trị gây tranh cãi trong tương lai gần.
Ngoại giao Phật giáo là một kế hoạch thông minh trong hoạt động ngoại giao của Ấn Độ đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ tương lai mới có thể nói liệu "ngoại giao Phật giáo" của Ấn Độ có giúp mang lại sự thân thiện và giải quyết được những vấn đề tranh cãi hay không.
TTK