Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm Mỹ từ ngày 26 - 30/9 với hai mục đích chính là dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và tham dự cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Barack Obama.
Ông Modi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. |
Trong bài viết đăng trên báo “The Indian Express” ngày 25/9, Tiến sĩ Raja Mohan - chuyên viên đặc biệt tại viện nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ - nhận định rằng sau các cuộc trao đổi cấp cao với hai nước phía đông là Nhật Bản và Trung Quốc, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới phía tây là Mỹ sẽ đánh dấu đỉnh cao trong “khúc dạo đầu” về chính sách ngoại giao của Chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) đối với các nước lớn.
Lịch trình gặp gỡ các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới của Thủ tướng Modi sẽ còn tiếp tục đầy ắp trong năm nay, với việc tham dự một số diễn đàn đa phương, trong đó có Hội nghị G - 20 tại Australia và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Myanmar.
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi rất có ý nghĩa trong việc xác định khuynh hướng quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn xuyên suốt nhiệm kỳ của Chính phủ NDA.
Hiện có đánh giá chung rằng vị thế của Mỹ bị suy giảm và sẽ tiếp tục suy giảm trước đối thủ Trung Quốc tại châu Á và trên thế giới, do đó, vai trò của Washington đã kém phần quan trọng đối với Ấn Độ. Thực tế, mặc dù hiện có nhiều khó khăn, song Mỹ vẫn là thế lực nổi trội nhất thế giới về cả kinh tế lẫn quân sự.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu các thể chế toàn cầu - từ LHQ cho đến các thể chế tài chính - và dẫn đầu trong việc thiết lập những nguyên tắc toàn cầu mới. Mỹ vẫn thống soái nền tài chính toàn cầu và các công ty Mỹ khiến thế giới ngạc nhiên với việc cho ra đời những công nghệ mới, từ chiết xuất khí đốt tự nhiên sâu trong lòng đất, đến công nghệ in 3D.
Mỹ cũng là nơi tập trung đông đảo số người gốc Ấn giàu có. Không nơi nào có nhiều người gốc Ấn giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ, trong các ngành công nghiệp và các viện hàn lâm như ở Mỹ.
Chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) nhiệm kỳ đầu tiên (2004 - 2009) đã đạt được bước đột phá lớn trong quan hệ Ấn - Mỹ, trong đó có thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự, khuôn khổ hợp tác quốc phòng.
Thủ tướng Manmohan Singh lúc đó đã tìm cách xây dựng quan hệ Mỹ - Ấn từ di sản của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee (nhiệm kỳ 1998 - 2004), người đã tuyên bố Ấn Độ và Mỹ là những “đồng minh tự nhiên”. Nhưng tình trạng “vừa yêu, vừa ghét” của ban lãnh đạo đảng Quốc đại (đứng đầu Chính phủ UPA) đối với Mỹ đã làm “lãng phí” những cơ hội lịch sử trong quan hệ với Mỹ xuất hiện dưới thời UPA cầm quyền.
Thủ tướng Modi hiện ở vị thế tốt hơn người tiền nhiệm Singh để khai thác đầy đủ tiềm năng quan hệ với Mỹ. Thủ tướng Modi có cơ hội tiếp xúc với cả giới lãnh đạo nước Mỹ để vạch lộ trình cho sự mở rộng mạnh mẽ quan hệ song phương trong những năm tới.
Lý do đảng Quốc đại “phanh” quan hệ với Mỹ bởi lo sợ việc xích lại gần Mỹ có thể làm phức tạp quan hệ Ấn - Trung. Đây là mối lo ngại không đúng bởi sự liên kết kinh tế và can dự chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên sâu sắc. Thực tế, quan hệ của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc “mỏng hơn” quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ dưới thời ông A.K. Antony đã thận trọng giảm sự hợp tác với Mỹ bằng cách nêu những mối quan ngại của Trung Quốc. Chính vị trí địa lý của Ấn Độ đã tạo nên điều đó.
Nước Mỹ hùng mạnh nhưng ở xa, trong khi Trung Quốc là nước láng giềng đang nổi lên nhanh chóng và có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ. New Delhi cũng có cạnh tranh với Bắc Kinh tại châu Á và Ấn Độ Dương.
Nay đã đến lúc Ấn Độ phải cải thiện quan hệ với cả Washington lẫn Bắc Kinh và không hạn chế quan hệ với nước này vì lo ngại nước kia. Mục tiêu là phải xây dựng sức mạnh quốc gia toàn diện của Ấn Độ bằng bất cứ sự hợp tác nào có thể được với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Minh Lý