Các chuyên gia y tế thậm chí còn cảnh báo rằng với tốc độ lây lan hiện nay, đến cuối tháng 9 này, Ấn Độ có thể sẽ hứng chịu "kịch bản" tồi tệ hơn: vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn thế giới. Hiện Ấn Độ đang chứng kiến mức gia tăng số ca COVID-19 lớn nhất thế giới khi liên tục phát hiện số ca nhiễm theo ngày cao trung bình gấp hai lần so với Mỹ và Brazil trong thời gian qua.
Diễn biến trên không phải là một điều quá bất ngờ nếu như theo dõi tình hình dịch bệnh ở quốc gia Nam Á này.
Kể từ thời điểm ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 30/1/2020, trong hơn 8 tháng qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt từ tháng 7 tới nay. Nếu như nửa đầu tháng 7, số ca mắc mới theo ngày duy trì ở mức trên dưới 20.000 ca, thì đến nửa sau của tháng, con số này tăng mạnh. Thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày liên tục ở mức khoảng 50.000, tới cuối tháng 8 thì lên mức trên 75.000 ca.
Trong 2 ngày trở lại đây, Ấn Độ liên tục ghi nhận hơn 90.000 ca mắc mới mỗi ngày - trong đó ngày 6/9 ghi nhận con số kỷ lục 90.802 ca nhiễm mới, trong khi Brazil ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới/ngày. Số ca mắc mới tăng mạnh tại Ấn Độ cũng khiến châu Á vượt qua Bắc Mỹ về tổng số ca mắc. Với hơn 7,75 triệu ca mắc và 152.119 ca tử vong, hiện châu Á là khu vực có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ cho đến nay tương đối thấp nếu xét trên tổng dân số, nhưng trong 5 ngày trở lại đây, mỗi ngày Ấn Độ lại có hơn 1.000 trường hợp tử vong. Trong ngày 6/9, số bệnh nhân không qua khỏi tại Ấn Độ là 1.016 người.
Các chuyên gia nhận định số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian qua bắt nguồn từ 3 nguyên nhân là tăng cường xét nghiệm, mở cửa trở lại nền kinh tế và người dân có tâm lý "tự mãn" trước thông tin về tỷ lệ tử vong thấp và tỷ lệ khỏi bệnh cao.
Ấn Độ đã tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm trong thời gian qua - với mức trung bình hơn 10 triệu người/ngày, qua đó giúp phát hiện thêm nhiều bệnh nhân COVID-19. Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế cho rằng tỷ lệ xét nghiệm như trên là chưa đủ để tầm soát hiệu quả cho đất nước 1,3 tỷ dân và là nơi có nhiều thành phố đông dân nhất thế giới. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng số các trường hợp tử vong ở Ấn Độ có thể chưa được thống kê đầy đủ.
Để xoa dịu những lo lắng của người dân trước thực trạng số ca nhiễm gia tăng quá nhanh, Bộ Y tế Ấn Độ thường thông báo nước này ngày càng có thêm những bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã được xuất viện. Ngày 6/9 vừa qua cũng là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số bệnh nhân được xuất viện trên 70.000 người, qua đó nâng tổng số bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần COVID-19" lên gần 3,2 triệu người. Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Harsh Vardhan khẳng định Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới, ở mức 1,81% và tỷ lệ phục hồi lên đến 76,47%. Bộ trưởng Vardhan cũng cho rằng Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh và nếu so sánh toàn cầu thì Ấn Độ có tỷ lệ ca nhiễm (2.424 ca/1 triệu dân) và tỷ lệ tử vong (44 ca/1 triệu dân) thuộc hàng thấp nhất. Các mức trung bình toàn cầu tương ứng là 3.161 và 107,2. Bộ trưởng Vardhan tự tin rằng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trước lễ hội Diwali (đầu tháng 11 tới). Tuy nhiên, động thái này lại bị coi là "con dao hai lưỡi" khi mang lại tâm lý chủ quan cho người dân.
Theo nhà virus học hàng đầu Ấn Độ Shahid Jameel, người dân không tuân theo các khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội... do tâm lý "tự mãn", xuất phát từ việc chính quyền chỉ đề cập đến tỷ lệ bệnh nhân phục hồi ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong thấp. Trong một thời gian dài, Ấn Độ đã phủ nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, ngay cả khi số ca nhiễm đã lên tới hàng triệu.
Ông cho rằng yếu tố quan trọng nhất cần lưu tâm trong tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ là tốc độ gia tăng số ca nhiễm bệnh mà theo ông đang ở mức "khá đáng báo động". Chuyên gia Shahid Jameel nhấn mạnh trong hai tuần qua, trung bình số ca bệnh ghi nhận theo ngày đã tăng từ khoảng 65.000 ca lên khoảng 83.000 ca, tức là tăng 27%, hay cụ thể hơn là tăng 2% mỗi ngày. Hiện Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan phụ trách các công tác ứng phó đại dịch COVID-19, ngày 4/9 đã sửa đổi các tiêu chí xét nghiệm, qua đó cho phép người dân có thể tiến hành tầm soát COVID-19 mà không cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Ông Shahid Jameel đánh giá cao bước đi này, dù cho rằng quyết định trên được đưa ra quá chậm trễ. Nhà virus học cho biết: "Điều này sẽ phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng. Họ là nguyên nhân chính đã gây ra sự bùng phát dịch bệnh ở Ấn Độ. Cũng nên tiến hành xét nghiệm nhiều hơn ở các khu vực nông thôn và làng mạc, khi có tới 2/3 số bệnh nhân là những người sinh sống tại đây".
Bất chấp số ca nhiễm mới tăng mạnh, kể từ đầu tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã buộc phải từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội, sau 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3. Tới nay, Ấn Độ đang trong giai đoạn mở cửa thứ ba, theo đó hoạt động di chuyển của người hoặc hàng hóa giữa các bang trên toàn quốc không còn bị hạn chế. Từ ngày 7/9, Ấn Độ cũng đã mở cửa trở lại hệ thống tàu điện ngầm tại New Delhi và 12 thành phố khác sau 5 tháng tạm ngừng hoạt động. Theo kế hoạch, các quán bar cũng mở cửa lại từ giữa tuần này. Với việc nối lại hoạt động kinh tế và người dân đi lại nhiều hơn, không ít người tỏ ra chủ quan trong việc thực hiện các hành vi phù hợp để phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng góp phần khiến số ca nhiễm tăng cao.
Thực tế là khi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh hồi đầu tháng 3, Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt mà đỉnh điểm là lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3, khi tổng số ca nhiễm mới ở mức 550 người/ngày. Đến nay, khi con số nhiễm mới hằng ngày ở mức cao xung quanh mốc 80.000, chính phủ cũng như người dân dường như đã quen với tình trạng "bình thường mới" với hầu hết các hoạt động đã được nối lại, ý thức tuân thủ giãn cách và áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế nơi công cộng đã không còn được tuân thủ nghiêm túc.
Những con số lây nhiễm kỷ lục trên được đưa ra giữa lúc kinh tế Ấn Độ suy thoái trầm trọng. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Ấn Độ (NSO), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý I tài khóa 2020 - 2021 (từ ngày 1/4-30/6/2020) giảm tới 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi New Delhi bắt đầu báo cáo số liệu hằng quý từ năm 1996. Trong khi đó, con số thất nghiệp tăng mạnh với 4,1 triệu thanh niên ở Ấn Độ không có việc làm. Theo dữ liệu của Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã mất 17,7 triệu việc làm trong tháng 4, nhưng con số này đã tăng lên 18,9 triệu vào tháng 7.
Tiến sĩ K. K. Aggarwal, Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội y khoa châu Á và châu Đại Dương (CMAAO) nhận định trong giai đoạn này, không có cách nào có thể ngăn chặn các ca nhiễm mới tại Ấn Độ. Do đó, điều quan trọng nhất là kiểm soát tỷ lệ tử vong và tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu tỷ lệ này. Đại dịch COVID-19 có lẽ là một trong những phép thử mạnh nhất đối với Ấn Độ từ trước đến nay. Để đối phó thành công với đại dịch này đòi hỏi một sự thay đổi lớn về hành vi ở cấp độ xã hội, để có thể giảm thiểu các ca nhiễm mới, trước khi các nhà khoa học phát triển thành công các phương pháp điều trị, bào chế được vaccine để kiểm soát virus SARS-CoV-2.
Những cảnh báo của Thủ tướng Narendra Modi khi đại dịch bắt đầu bùng phát rằng tiến bộ kinh tế - xã hội gần đây của Ấn Độ sẽ bị lùi lại nhiều thập niên, cũng như cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), rằng quốc gia Nam Á này có nguy cơ đánh mất những thành tựu khó kiếm trong cuộc chiến chống nghèo đói, với hàng loạt hộ gia đình có khả năng rơi vào cảnh bần cùng do mất thu nhập và việc làm, đang trở nên hiện hữu. Thực tế này khiến cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Ấn Độ thêm nặng nề. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ vẫn có khả năng tránh được kịch bản xấu nhất nếu người dân tích cực hơn trong công tác phòng dịch, theo như những tấm biển hướng dẫn đã mọc lên ở nhiều nơi trên đất nước này, với những biện pháp rất đơn giản như: tránh tất cả các tiếp xúc xã hội không cần thiết với những người không phải là thành viên trong gia đình, duy trì khoảng cách vật lý khi không thể tránh khỏi tiếp xúc, rửa tay với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây và đeo khẩu trang che mũi và miệng.