Ấn Độ hạn chế hoạt động ngoại thương với Triều Tiên

Ngày 7/3, Chính phủ Ấn Độ thông báo đã áp đặt hạn chế thương mại mới với Triều Tiên theo như các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Ấn Độ cho biết những hạn chế mới này chủ yếu nhằm vào tàu mới đóng hoặc đã qua sử dụng, thực phẩm và nông sản, thiết bị điện và gỗ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu máy công nghiệp, các phương tiện vận chuyển, sắt, thép và các kim loại khác. New Delhi đã giảm hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn duy trì kênh tiếp xúc ngoại giao.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ấn Độ có động thái trên sau khi Mỹ, nước đang đi đầu trong nỗ lực ngoại giao nhằm gây sức ép lên Triều Tiên, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hóa học. Lệnh trừng phạt mới bao gồm việc cắt các khoản viện trợ cho Triều Tiên (trừ trường hợp nhân đạo khẩn cấp), chấm dứt mọi hoạt động bán vũ khí và từ chối mọi sự trợ giúp về tài chính hay tín dụng.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 22/2 khẳng định chính quyền Bình Nhưỡng "đã sử dụng các loại vũ khí hóa học vi phạm luật pháp quốc tế hoặc vũ khí hóa học chết người". Thông cáo không nêu rõ chi tiết song Mỹ cho rằng Triều Tiên đứng đằng sau vụ ám sát một công dân nước này có hộ chiếu mang tên Kim Chol bằng chất độc hóa học VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia hôm 13/2/2017. Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định ông này tử vong vì đau tim, đồng thời tuyên bố không chấp nhận kết quả điều tra cho rằng ông Kim Chol bị đầu độc.

Trong khi đó, ngày 7/3, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên liên quan tới vụ ám sát công dân Triều Tiên Kim Chol là "bất hợp pháp". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng các biện pháp này sẽ không được thông qua tại HĐBA LHQ.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên thể hiện sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ngoài ra, Triều Tiên nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc lần đầu tiên sau hơn 10 năm qua vào cuối tháng 4 tới tại làng đình chiến Panmunjom.

Cùng ngày, các nguồn thạo tin cho biết Nhật Bản dự kiến phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên để xác minh ý định phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Theo các nguồn tin, Nhật Bản muốn thúc đẩy việc Triều Tiên cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này, chủ yếu ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 100 km về phía Bắc.

Lời kêu gọi này cho thấy sự không hài lòng của Nhật Bản đối với cam kết của Triều Tiên chỉ chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa. IAEA đã không được tiếp cận trực tiếp các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi những thanh sát viên của cơ quan giám sát hạt nhân thuộc LHQ này bị trục xuất vào năm 2009.
 
TTXVN/Báo Tin tức
Trung Quốc hối thúc nối lại đàm phán 6 bên về Triều Tiên
Trung Quốc hối thúc nối lại đàm phán 6 bên về Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, việc sớm tái khởi động vòng đàm phán 6 bên là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN