Anh đối mặt với nguy cơ khủng bố?

"Báo Độc lập" (Nga) cuối tuần qua dẫn tuyên bố của Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) Andrew Parker cho rằng hàng nghìn chiến binh đang ráo riết chuẩn bị và âm mưu tiến hành các hành động khủng bố tại Anh.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC


Ông này cho rằng xảy ra tình trạng đáng lo ngại này là do sự vô trách nhiệm của báo chí khi đăng tải những thông tin nhạy cảm, mà trước hết là những bí mật trong hoạt động tình báo do cựu nhân viên kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ. Ông Parker nhấn mạnh những thông tin công bố công khai như vậy vô tình như một sự "hiến kế" cho những kẻ khủng bố.

Tờ báo cho biết chuyến đi tới Moskva của ông Lonie Snowden, cha đẻ của "kẻ phản bội" nước Mỹ, cũng trùng đúng thời điểm tại London, một lần nữa lại bùng lên dư luận về các nguy cơ có thể bắt nguồn từ những gì cựu chuyên gia kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) này từng tiết lộ.

Cụ thể, ông Parker buộc tội "kẻ đào tẩu" Snowden và tờ The Guardian, với những thông tin lộ liễu trên mặt báo, không khác gì những "kịch bản" soạn thảo sẵn dành tặng những kẻ khủng bố.

Trong khi đó, ông Parker cho biết thêm, phe đối lập Syria đặc biệt nguy hiểm khi rất nhiều người trong số đó có hộ chiếu Anh và có thể nhập cảnh Anh để "quậy phá".

Tuy nhiên, Tổng biên tập tờ The Guardian, ông Alan Rusbridger cho rằng chính nhà văn Anh George Orwell, người viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Một chín tám tư" (thường được viết là 1984), xuất bản năm 1949 đã vẽ ra một xã hội trong tương lai đầy tăm tối, không còn sự tự trọng, sự tin tưởng, nơi mà một chế độ chuyên chế cai trị xã hội. Cuốn tiểu thuyết này đã bị cấm lưu hành sau đó chính bởi những tình huống giả tưởng đầy bi kịch, và những kẻ khủng bố hoang tưởng thời nay hoàn toàn có thể coi đó là "cẩm nang hành động".

Tờ báo cho biết nếu như thời gian quan, các nhà chức trách Mỹ đã trở nên thận trọng hơn với những phát ngôn của mình, thì tại Anh, lãnh đạo các cơ quan mật vụ dường như không ý thức rõ điều này, dẫn đến thiếu cẩn trọng trong các phát ngôn.

Ông Andrew Parker, người vừa nhậm chức tân Tổng giám đốc MI5 hồi đầu quý 2 vừa qua, bằng những tuyên bố của mình, đã gây hoang mang lo ngại trong lòng công chúng, làm sụp đổ niềm tin của người dân, khi tuyên bố về những dự báo có tính thổi phồng, cường điệu hậu quả có thể xảy ra do các thông tin mà Snowden tiết lộ.

Hơn thế nữa, chính ông lại là người gieo rắc lo ngại cho người dân, khi tuyên bố rằng những thông tin Snowden tiết lộ, một mặt sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành tình báo và mặt khác như một sự "hiến kế" cho những kẻ khủng bố.

Ông cho biết trong khi những tiến bộ về mặt kỹ thuật công nghệ cho phép nhà nước kiểm soát chặt chẽ những kẻ có ý định khủng bố, thì việc tờ The Guardian tiết lộ thông tin tình báo nhạy cảm đã khiến những kẻ khủng bố "đúc rút" kinh nghiệm và tìm cách "qua mặt" pháp luật.

Theo nhận định của MI5, trong thời điểm hiện tại, ở Anh có vài nghìn phần tử Hồi giáo cực đoan đang ôm mộng tấn công nước này. Hơn thế, trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria không ít người có hộ chiếu Anh, họ đang muốn trở về nhà và sẽ thật là nguy hại nếu những phần tử này thực hiện các hành vi khủng bố.

Nga cũng có những thông tin về quân nổi dậy Syria, tuy nhiên, London đã vội vã từ chối mọi khả năng hợp tác với Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bên cạnh đó, ông Malcolm Rifkind, Chủ tịch Ủy ban Giám sát các hoạt động tình báo trực thuộc Quốc hội, tuyên bố rằng không thể so sánh các cơ quan tình báo Anh với lực lượng an ninh Nga cũng như Trung Quốc, vì những cơ quan này, theo đánh giá của Anh, chỉ như những "công cụ chính trị" chuyên trấn áp, và cũng không có cơ quan cấp trên nào độc lập giám sát hoạt động của họ.

Bài báo không bình luận về lập trường trên của Anh, cũng không xác minh độ chân thực về thông tin nước Anh đang bị hàng nghìn chiến binh rình rập hòng tiến công khủng bố, chỉ để ngỏ một câu hỏi rằng: Anh đã làm gì để đối phó với thông tin gây hoang mang đến như vậy.



Quế Anh (Pv TTXVN tại Nga)

Xu hướng khủng bố mới ở phương Tây
Xu hướng khủng bố mới ở phương Tây

Tại sao một đất nước hòa bình và thịnh vượng như Na Uy lại phải hứng chịu vụ đánh bom và thảm sát đẫm máu đến như vậy do chính công dân của mình gây ra? Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN